Vai trò của Sắt với phụ nữ mang thai

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ có những thay đổi về sinh lý, giải phẫu, sinh hóa của các cơ quan trong cơ thể, họ cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng để phục vụ cho những thay đổi đó. Ngoài ra, phụ nữ mang thai còn cung cấp chất dinh dưỡng theo máu qua nhau thai cho con. Vì vậy, để cơ thể mẹ và thai nhi khỏe mạnh, người mẹ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trước khi mang thai, trong quá trình mang thai và cả sau khi sinh. Nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai bao gồm năng lượng, protein, muối khoáng (canxi, sắt, i-ốt, kẽm), các loại vitamin (A, D, B1, B2, C…). Trong đó sắt đóng vai trò quan trọng cho quá trình tạo máu tham gia vào vòng tuần hoàn trong cơ thể mẹ, quá trình phát triển của bào thai, nhau thai và phòng nhiễm khuẩn cho cơ thể.

Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần 1000 mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh. Sắt là nguồn nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi. Sắt cũng là thành phần của hemoglobin, có trong các mô cơ, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của mô cơ, bằng cách kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Đặc biệt đối với những người phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Trong thời gian hình thành và phát triển, thai nhi hấp thụ chất dinh dưỡng chuyển từ mẹ theo đường máu từ 3 nguồn: trực tiếp từ khẩu phần ăn của người mẹ, từ kho dự trữ các chất dinh dưỡng của mẹ như gan, xương, khối mỡ và từ quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng ở nhau thai. Vì vậy, khi mang thai, thiếu máu thiếu sắt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cả bà mẹ lẫn con. Bà mẹ mang thai bị thiếu máu nhẹ có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xạnh nhợt nhạt hoặc rụng tóc. Nặng hơn có thể bị ngất, sảy thai, đẻ non, nhiễm trùng hậu sản hoặc tai biến sản khoa nguy hiểm nhất là tử vong do băng huyết sau sinh. Những đứa trẻ này có nguy cơ suy dinh dưỡng ngay từ trong bào thai dẫn đến tình trạng giảm phát triển chiều cao, cân nặng, giảm các hoạt động thể lực. Thiếu sắt ở giai đoạn trẻ mới sinh có tác động xấu đến khả năng nhận thức từ nhỏ đến tuổi thiếu niên. Tình trạng này có thể cải thiện bằng cách sử dụng viên sắt, tuy nhiên một số hậu quả có thể tồn tại mãi mãi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (2008), có hơn 1,6 tỷ người trên thế giới bị thiếu máu, trong đó chiếm tới 50% là thiếu máu do thiếu sắt. Ở Việt Nam,  theo tổng điều tra dinh dưỡng 2009 – 2010, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 36,5%, cao nhất ở vùng núi phía Bắc và ven biển Nam Trung Bộ lên tới 56%, 71,8% thiếu máu ở phụ nữ có thai là do nguyên nhân thiếu sắt.

Khi có thai người mẹ cần chất sắt nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi, nhau thai và tăng thể tích máu của chính mình. Nếu lượng sắt ăn vào không đủ sẽ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, nhiễm ký sinh trùng, nhất là nhiễm giun móc làm cho cơ thể mất sắt cũng gây nên thiếu máu.

Các biểu hiện khi bị thiếu máu (thiếu máu nhẹ) là mệt mỏi, làm việc khó tập trung, hoa mắt chóng mặt. Nặng hơn là nhức đầu, khó thở khi gắng sức, năng suất lao động giảm, da xanh, niêm mạc nhợt…Nếu thấy biểu hiện trên thì chị em cần đi khám tại các cơ sở y tế, xét nghiệm máu để được chẩn đoán xác định và có hướng xử trí kịp thời. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ có thai khi xét nghiệm nồng độ hemoglobin (Hb) dưới 110g/L và ferritin huyết thanh dưới 30mcg/L.

Phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho phụ nữ có thai.

Sử dụng thực phẩm

Cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt cũng như thiếu các vi chất dinh dưỡng khác là duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày. Thức ăn động vật chứa nhiều sắt bao gồm; gan các loại động vật: lợn, gà, vịt, bò, trâu…và các phủ tạng khác như: tim, bầu dục, đặc biệt tiết có hàm lượng sắt rất cao.

Các loại thịt bò, thịt lợn cũng chứa nhiều sắt, lòng đỏ trứng và các loại thủy hải sản cũng chứa nhiều sắt. Sắt trong các thức ăn có nguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thụ tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật. Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, vừng lạc, các loại rau màu xanh thẫm; rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay…Ngoài ra, nên chọn các thực phẩm được bổ sung vi chất sắt thay cho các thực phẩm cùng loại nhưng không được bổ sung sắt như nước mắm, xì dầu, hạt nêm có bổ sung sắt, bánh quy, bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Muốn sắt hấp thu tốt cần ăn đầy đủ và thường xuyên các thực phẩm có chứa nhiều sắt, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc động vật, ăn nhiều quả chín (cam, quýt, canh, bưởi, táo, đu đủ, chuối, dưa hấu…) để tăng cường lượng viamin C trong khẩu phần ăn, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hấp thu sắt. Không nên uống nước chè sau bữa ăn vì trong chè có tannin. Ngoài ra, phytat (có trong đậu đỗ, gạo và các loại ngũ cốc) cũng là chất ức chế hấp thu sắt.

Bổ sung viên sắt/ axit folic.

Đối với phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nếu chỉ duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý không thì vẫn rất khó để cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, một giải pháp hữu hiệu được khuyến khích đối với các đối tượng này là sử dụng viên sắt hàng ngày, hàng tuần theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuy nhiên, cần cân bằng lượng sắt trong cơ thể, vì nếu như lượng sắt trong cơ thể bị quá tải có thể dẫn tới hậu quả không tốt cho sức khỏe như ứg đọng sắt, có thể gây hại tới tim, gan, tuyến nội tiết…

Các em gái tuổi dậy thì, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ trước khi mang thai cần phải bổ sung viên sắt theo phác đồ hàng tuần để phòng chống thiếu sắt. Việc bổ sung sắt trước khi mang thai có vai trò quan trọng, giúp cải thiện dự trữ sắt và đem lại kết quả tốt hơn cho thai nghén. Để đảm bảo nhu cầu sắt trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ phải có lượng sắt dự trữ, ít nhất là 300mg trước khi mang thai. Theo hướng dẫn của chương trình phòng chống thiếu máu, phụ nữ tuổi sinh đẻ không có thai uống bổ sung viên sắt/ acid folic dự phòng thiếu máu, phụ nữ tuổi sinh đẻ không có thai uống viên sắt/ acid folic dự phòng thiếu máu một đợt trong năm và kéo dài trong 16 tuần (4 tháng liên tục) mỗi tuần uống 1 viên vào 1 ngày nhất định.(16 viên/ năm/ phụ nữ).

Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/ acid folic (60mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng. Thiếu máu là giai đoạn cuối của thiếu sắt kéo dài. Vì vậy khi có thai, ngay cả trong trường hợp bà mẹ cảm thấy sức khỏe bình thường không có nghĩa là không bị thiếu sắt. Hơn nữa, kể cả khi không bị thiếu máu, việc bổ sung uống viên sắt là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sắt tăng cao của phụ nữ trong thời kỳ có thai giúp bà mẹ phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.

Ts. Trần Thúy Nga – Viện Dinh dưỡng.