Lứa tuổi dậy thì được coi là cơ hội cuối cùng để các bậc cha mẹ có thể giúp con mình có chiều cao lý tưởng cũng như hoàn tất quá trình phát triển các bộ phận trên cơ thể thông qua con đường dinh dưỡng.
Đây là giai đoạn trẻ phát triển mạnh, nhanh về thể lực, sự thay đổi của hệ thần kinh, nội tiết mà nổi bật là sự hoạt động của các tuyến sinh dục tăng lên gây ra những biến đổi về hình thức và sự tăng trưởng của cơ thể trẻ. Lúc này, ngoài sự phát triển và hoàn thiện cơ thể cũng là lúc trẻ hoạt động nhiều nhất nên cần phải có một chế độ dinh dưỡng thật tốt cho trẻ ở giai đoạn này.
Năng lượng
Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, mỗi ngày cần 2.200 - 2.400 calo, tương đương với lượng ăn của người trưởng thành. Nếu không cung cấp đúng và đủ, trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến chậm hoàn thiện và phát triển các bộ phận cơ thể.
Bước vào tuổi dậy thì, trẻ cần nguồn năng lượng ngang người trưởng thành.
Cần lượng chất đạm cao hơn người trưởng thành
Chất đạm rất cần cho quá trình phát triển vượt bậc của cơ thể trong giai đoạn này. Nó giúp hoàn thiện cấu trúc cơ quan trong cơ thể, tăng cường miễn dịch, cấu tạo enzym, hornmon, trong đó có hormon sinh dục. Lúc này, trẻ dậy thì phát triển cơ bắp nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành. Chất đạm chiếm 14 - 15% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày, tương đương với 70 - 80gr/ngày. Lượng đạm lấy từ thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng sữa... Trong đó, đạm động vật là tốt nhất vì thức ăn có nguồn gốc động vật chứa nhiều sắt - chất sắt có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Do vậy, nên khuyến khích trẻ ăn nhiều đạm động vật để xây dựng các cấu trúc tế bào và hoàn thiện phát triển các nội tiết tố về giới tính. Ngoài ra, trẻ ở lứa tuổi này có nhiều hoạt động tiếp xúc với ngoại cảnh và môi trường sống nên cũng cần chất đạm để tham gia vào hệ miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng.
Chất béo nên chiếm khoảng 25% khẩu phần
Chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ. Dầu, mỡ không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng mà còn giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Ở giai đoạn này cần cả chất béo no có trong thức ăn chứa nhiều đạm động vật và chất béo không no trong dầu ăn và cá, nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật, khoảng 40 - 50gr mỗi ngày.
Chất bột - Nguồn cung cấp năng lượng chính
Cơ thể trẻ cần lượng chất bột chiếm 60 - 70% năng lượng có trong gạo, bột mì và sản phẩm chế biến, khoai, củ... Nên chọn lựa những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.
Bên cạnh đó, trẻ cần cung cấp đủ những vi chất dinh dưỡng quan trọng như canxi (cần đến 1.200mg/ngày để giúp duy trì cấu trúc xương); sắt (từ 15 - 18mg/ngày), kẽm (10 - 11mg/ngày); vitamin A (nhu cầu vitamin A ở lứa tuổi này là 600mcg/ngày), vitamin C (60 - 70mg/ngày). Ngoài ra, bạn cũng nên nhắc trẻ uống nước vì nước cần thiết cho mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày.
Ðịnh hướng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý
Đây là thời điểm trẻ bắt đầu có mối giao tiếp xã hội, bị ảnh hưởng nhiều bởi bạn bè, phương tiện truyền thông đại chúng... nên dễ chọn lựa những món ăn mà các bạn thường ăn hoặc được quảng cáo bắt mắt mà không quan tâm thực phẩm có tốt cho mình hay không như thức ăn nhanh, nước ngọt, thức ăn đường phố..., vì vậy, nguy cơ mất cân đối về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng, béo phì rất cao. Do đó, các phụ huynh cần định hướng cho trẻ những thức ăn “vặt” tốt cho sức khỏe; đồng thời giúp trẻ lựa chọn những thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, uống đủ nước, có chế độ ngủ nghỉ hợp lý.
ThS.BS. Lê Thị Hải - Suckhoedoisong.vn