Ảnh hưởng của đói nghèo tới tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước là 5,8-6%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo là 33,2%. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng (SDD) là một phức hợp, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu cả về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc; nguyên nhân gốc rễ là sự nghèo đói. Năm 2014, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi là 24,9%, thể nhẹ cân là 14,5%. Tỷ lệ SDD vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,9% và 30,7%, nhẹ cân là 22,6% và 19,8% . Tỷ lệ SDD thể thấp còi, nhẹ cân và gầy còm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo đều cao hơn so với khu vực thành thị.
Theo báo cáo và đánh giá của UNDP, Việt Nam đã thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe phụ nữ và trẻ em.
Việt Nam đã hoàn thành trước hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4: Tỷ lệ SDD trẻ em thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi), thể thấp còi (chiều cao/ tuổi) là 14,5% và 24,9% đã đạt mục tiêu trước thời hạn năm 2015 (so với mục tiêu đề ra là 15% và 26%) ở tất cả các mức độ suy dinh dưỡng nhẹ, vừa và nặng. Trong các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân - béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Phát triển VAC giúp cải thiện bữa ăn và nâng cao chất lượng sống của gia đình
Việt Nam từ một nước nghèo đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới và được đánh giá là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh,là nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và vòng xoắn đói nghèo, đặc biệt ở nông thôn.
Bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh. Ảnh: KT
Để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng hộ gia đình, góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện chất lượng bữa ăn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình. Đặc biệt quan tâm tới các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão.
Thúc đẩy chính sách xã hội giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em
Ngành Y tế và ngành LĐTBXH đã có nhiều cố gắng hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội như: hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ cấp cho người cao tuổi hàng tháng, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, bảo hiểm y tế cho người nghèo và trẻ em, bảo trợ cho người thất nghiệp,... Mặc dù công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã có thành công nhất định, nhưng trên cả nước tỷ lệ các hộ nghèo là 6% (năm 2014), ở các huyện nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo là 33,2%. Vì vậy, còn một số lượng đáng kể trẻ em sống trong nghèo đói và không được đảm bảo các quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và học tập. Trẻ em nghèo đang gặp nhiều thiệt thòi, thiếu sự bảo vệ để các em được sống và phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Nghèo đói và bệnh tật là nguyên nhân của SDD, dễ bị thất học và dễ trở thành nạn nhân bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng, bóc lột, bị buôn bán… Thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, cần được cung cấp, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí...
Trợ giúp trẻ em nghèo chính là tạo được môi trường xã hội, dịch vụ xã hội thuận lợi, đặc biệt là môi trường pháp lý, để trẻ em nghèo có cơ hội phát triển như những trẻ em khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao dân trí để người dân có năng lực sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, cho trẻ em. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải có sự chung tay của gia đình, xã hội, sự phối hợp đa ngành.
Thông điệp truyền thông
Hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới, Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16-23/10/2015. - Phát triển VAC để tăng thu nhập gia đình, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng.
- Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình.
- Ăn uống hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam.
- Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động thể lực để phòng, chống thừa cân, béo phì.
- Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
- Gia đình và xã hội hãy chung tay xóa đói, giảm nghèo, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho người Việt nam.