50% trẻ em không đủ vi chất dinh dưỡng để phát triển chiều cao
PGS-TS Lê Bạch Mai cảnh báo, tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến những hậu quả đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Hiện nay có đến 50% trẻ em Việt Nam không đủ các vitamin A, B1, C, D và Sắt (theo Khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á - SEANUTS) để phát triển não bộ và chiều cao.
 

Điều đáng quan tâm là những biểu hiện của tình trạng thiếu hụt vi chất thường diễn ra rất âm thầm và khó nhận biết, cộng với sự hiểu biết chưa đầy đủ của các bậc cha mẹ, nên lại càng dễ bị bỏ qua ở giai đoạn sớm.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi thảo luận "Con bạn đã đủ dưỡng chất chưa?" của PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

​Trong buổi chia sẻ, PGS-TS Lê Bạch Mai cảnh báo, tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến những hậu quả đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Quá trình phát triển trí não của trẻ bị ảnh hưởng từ những năm tháng đầu đời có thể làm trẻ kém tập trung, tiếp thu chậm hơn và học tập không hiệu quả trong những năm sau này. Thêm vào đó, trẻ cũng sẽ chậm đạt được các mốc phát triển về vận động. Trẻ có thể kém linh hoạt hơn và thậm chí lười vận động hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa.

Thiếu vi chất dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng nên trẻ rất dễ mắc các bệnh theo mùa, nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu chảy. Đây là những bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự tăng trưởng của bé.

​Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, các biểu hiện thiếu vi chất dinh dưỡng thường kín đáo và khó nhận biết với các dấu hiệu rất thông thường nên dễ bị các bậc cha mẹ bỏ qua. Trẻ ít vận động, chóng mệt, hay quấy khóc, bứt rứt, khó chịu; trẻ hay bị ốm mỗi khi thay đổi thời tiết, dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy; trẻ có vẻ chậm đạt được các mốc phát triển về vận động (chậm biết đi...); cơ bắp mềm, nhẽo; khi trẻ bị các tổn thương ngoài da thường chậm lành; tóc thưa, khô ráp, móng tay giòn, dễ gãy… có thể là các dấu hiệu của việc thiếu hụt một số vi chất.

​​Nhận xét về nguyên nhân khiến 50% trẻ em Việt Nam bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn, PGS-TS Lê Bạch Mai cho biết: “Nguyên nhân có thể là do bữa ăn của trẻ chưa đa dạng thực phẩm (chưa đủ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm: lương thực; trứng các loại, sữa và chế phẩm; thịt, cá và thủy sản; hạt thực vật giàu đạm; rau củ quả có màu sắc rực rỡ; các loại rau củ quả khác; dầu mỡ; trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc), do cách chế biến thức ăn chưa hợp lý làm hao hụt dưỡng chất, hoặc do khả năng hấp thu của trẻ kém, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao… đã khiến trẻ không có đủ dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng nhanh cả về não bộ và chiều cao”./.

Trung Anh/VOV.VN