Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Zika

Ngày 5/2, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika. Theo hướng dẫn này, bệnh do vi rút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. Vi rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.

* Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc chẩn đoán bệnh do vi rút Zika gồm:

Triệu chứng lâm sàng:

- Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày.

- Biểu hiện lâm sàng: Từ 60% đến 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có triệu chứng lâm sàng.

- Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng:

+ Sốt: bệnh nhân thường sốt nhẹ 37.5oC đến 38oC

+ Ban dát sẩn trên da

+ Đau đầu, đau mỏi cơ khớp

+ Viêm kết mạc mắt

+ Có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.

Cận lâm sàng:

- Huyết thanh chẩn đoán có thể giúp phát hiện IgM từ ngày thứ 4 sau khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên xét nghiệm này có thể dương tính giả do phản ứng chéo với các flavivirus khác, như vi rút Dengue và Chikungunya....

- RT-PCR từ bệnh phẩm huyết thanh (hoặc các bệnh phẩm khác như nước tiểu, dịch não tủy, dịch ối...)  được ưu tiên lựa chọn trong chẩn đoán xác định nhiễm vi rút Zika.

- Cần chỉ định theo dõi siêu âm thai đối với phụ nữ có thai nghi nhiễm vi rút Zika để có thể phát hiện biến chứng não bé ở thai nhi.

Chẩn đoán:

Đối với việc chẩn đoán ca bệnh nghi ngờ:

- Có yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do vi rút Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh)

- Có ít  nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barre hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi.

- Không xác định được các căn nguyên gây bệnh khác (sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya...).

Chẩn đoán ca bệnh xác định:

- Ca bệnh nghi ngờ và

- RT-PCR vi rút Zika dương tính, và/hoặc

- Phản ứng huyết thanh (IgM) dương tính với vi rút Zika.

Dịch bệnh do vi rút Zika gây teo não ở trẻ em đã xuất hiện và lan rộng ra nhiều quốc gia


Chẩn đoán phân biệt:

Các căn nguyên vi rút:

- Sốt xuất huyết Dengue

- Chikungunya

- Rubella

- Sởi

- Enterovirus

- Adenovirus

Nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng

- Bệnh do Leptospira

- Bệnh do Ricketsia

- Nhiễm liên cầu nhóm A.

* Về điều trị bệnh do vi rút Zika

Điều trị triệu chứng là chính, bao gồm:

- Nghỉ ngơi.

- Hạ sốt bằng paracetamol. Không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID (ibuprofen, meloxicam, piroxicam…).

- Bồi phụ nước và điện giải:  uống đủ nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây.

- Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9%.

- Theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ,...

- Đối với phụ nữ có thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi:

+ Theo dõi siêu âm thai mỗi 2 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.

+ Phụ nữ có thai trên 15 tuần bị nhiễm vi rút Zika có thể chỉ định chọc ối làm xét nghiệm RT-PCR, hoặc lấy máu cuống rốn để làm xét nghiệm huyết thanh.

- Trẻ bị dị tật não bé hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi rút Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần, vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh (nếu có).

 

Việt Nam siết chặt kiểm dịch cửa khẩu để phòng dịch Zika

Bộ Y tế tăng cường biện pháp giám sát tại các cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng, khai thác tiền sử dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika.

Các nhân viên tại cửa khẩu được tập huấn kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt, quan sát thể trạng hành khách, khai thác tiền sử dịch tễ và khám sơ bộ. Khi phát hiện trường hợp bệnh nghi ngờ sẽ cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu và chuyển về cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm, quản lý theo quy định..

Bộ cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt những người đi, đến hoặc về từ quốc gia có dịch, cán bộ y tế, nhân viên làm việc tại khu vực cửa khẩu, cán bộ tham gia công tác phòng chống bệnh do virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe và thông báo cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh.

Để phòng bệnh trong cộng đồng, mọi người nên thường xuyên áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi. Thường xuyên ngủ màn và sử dụng các biện pháp khác phòng, chống muỗi đốt. Hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai, những người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch. Nếu phải đi, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân. Người về từ vùng dịch tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện gấp rút xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virusZika, chuẩn bị đầy đủ về vật tư, hóa chất, trang thiết bị, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng các tình huống về dịch bệnh. Khi xảy ra dịch, bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế cần sử dụng biện pháp phòng hộ cá nhân tránh muỗi đốt, hạn chế tối đa biến chứng, tử vong. Đối với hộ gia đình khi phát hiện có người nghi ngờ nhiễm bệnh cần thông báo ngay với cơ sở y tế khi có biểu hiện triệu chứng

Thái Bình - Suckhoedoisong.vn