Nhiều trẻ lây bệnh từ mẹ
Chị Lê Thùy Dương (TP Hưng Yên) cho biết, sau khi sinh con được 2 tuần, chị bị thủy đậu. Gia đình đã kiêng cữ “tách” cháu bé ra để cho bú sữa ngoài. Sau khoảng 10 ngày tự bôi thuốc và tắm lá, các nốt bọng nước trên người chị bắt đầu se lại và đóng vẩy. Nghĩ bệnh đã khỏi hẳn, chị quay lại cho con bú. Ai ngờ, chỉ vài ngày sau đó, cháu bé cũng “dính” thủy đậu luôn.
Theo lời kể của chị Dương, ban đầu là những nốt nước nhỏ li ti dưới bẹn, sau đó lan ra toàn thân. Vì cháu còn quá nhỏ nên gia đình chị không cho cháu đi viện luôn mà tự “xử lý” tại nhà. Ba hôm sau, thấy con quấy khóc, sốt cao, bỏ bú, chị Dương đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. “Các bác sĩ nói, cháu bị thủy đậu bội nhiễm và có dấu hiệu của viêm phế quản, cần phải ở viện theo dõi để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ viêm phổi”, chị Dương cho biết.
ThS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Gần đây, số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu nhập viện tăng đáng kể. Trung bình mỗi ngày, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhi mắc thủy đậu đến khám và điều trị. Khoa Truyền nhiễm cũng có bệnh nhân sơ sinh lây nhiễm thủy đậu từ mẹ.
Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - cố vấn chuyên môn của khoa cho biết, đây đang là thời điểm thích hợp cho bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Ngày nào, Khoa Nhi cũng tiếp nhận bệnh nhi mắc bệnh này, phần lớn các ca mắc nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước có hơn 4.000 trường hợp mắc thủy đậu. Trong đó, các tỉnh có số mắc cao là Nghệ An, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Lâm Đồng, Kon Tum, Đà Nẵng.... PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, đây là con số thống kê báo cáo, con số thực tế có thể cao hơn do thủy đậy là bệnh truyền nhiễm lành tính thường được cách ly, điều trị tại nhà. Số mắc này so với cùng kỳ năm 2015 (14.017 ca) là giảm 68%. Tuy nhiên có thể năm nay chưa thống kê được hết, nên số thống kê tiếp theo số lượng ca mắc sẽ tăng lên bởi thủy đậu thường xảy ra vào mùa Đông - xuân.
Theo BS Đỗ Thiện Hải, thủy đậu là bệnh do virus gây nên. Bệnh rất dễ lây lan, thường là qua đường hô hấp. Khi bị bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng… Sau đó, trên da xuất hiện các nốt bọng nước ở một bộ phận nào đó rồi lan ra toàn cơ thể. Các nốt này thường gây ngứa cho người bị bệnh.
BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh: “Thông thường, thủy đậu sẽ kéo dài từ 7-10 ngày. Nếu không có biến chứng thì các nốt bọng nước sẽ tự vỡ ra, khô dần và không để lại sẹo nếu bôi thuốc cẩn thận. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ”.
Không bôi nghệ cho trẻ nếu không có biến chứng
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu như nhiễm trùng, viêm da. Biến chứng này hay gặp do vi khuẩn trong không khí xâm nhập vào các nốt mụn nước bị vỡ, bong tróc, khiến da bị nhiễm khuẩn tại chỗ. Sau đó, các vi khuẩn ở bề mặt da “ăn” sâu vào bên trong cơ thể, gây nguy cơ nhiễm trùng máu và xuất huyết. Biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng trẻ là trẻ dễ bị viêm phổi và viêm não. Biểu hiện của bệnh nhân ở giai đoạn này là sốt cao, ho ra máu, khó thở, đôi khi buồn nôn và hay ngủ gà.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, với phụ nữ mang thai, bệnh thủy đậu rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nặng nề. Người lớn có thể lây bệnh của trẻ hoặc là trở thành trung gian truyền bệnh.
Đề cập tới những sai lầm dễ gặp nhất trong chăm sóc trẻ mắc thủy đậu, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, đó là tình trạng bố mẹ không tắm rửa cho con, khi đó lượng da chết tích tụ nhiều sẽ càng gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé. Nhiều trẻ bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết vì không giữ vệ sinh tốt. Thay vào đó, cha mẹ tắm cho con bằng nước ấm, chú ý không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh. Tránh gãi vì dễ làm nốt phỏng bị vỡ, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Không ít bố mẹ thấy con bị thủy đậu đã vội bôi xanh methylen vào các nốt phỏng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc làm này khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết. Trẻ cũng không thích, trông nhem nhuốc. Chỉ khi nốt phỏng vỡ thì chấm trực tiếp thuốc xanh methylen vào nốt vỡ làm se và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh.
Theo các chuyên gia, bố mẹ cũng không nên mua các loại lá về tắm để cho trẻ nhanh khỏi. Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định, chỉ bằng 1/5 da người lớn nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Để tránh nốt thủy đậu bị bội nhiễm, có thể dùng một số thuốc sát khuẩn da thông thường như dung dịch xanh methylen, milian hoặc dung dịch betadin để rửa rồi dùng bông vô khuẩn thấm khô.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, phương pháp điều trị mới cho bệnh thủy đậu hiện được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai dùng là bôi acyclovir (trước đây dùng để trị herpes). PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Thủy đậu chỉ là tổn thương ở lớp thượng bì ngoài da, không phải lớp da phía sâu bên trong nên không để lại sẹo. Do đó, bố mẹ không lo vấn đề thẩm mỹ làn da của con trẻ, do đó không phải bôi nghệ cho con. Trừ trường hợp trẻ mắc thủy đậu nhưng bị biến chứng, nhiễm trùng da thì có thể bôi nghệ”.
T.Nguyên - M.Thùy - Báo Gia đình & Xã hội