Nhu cầu sử dụng chất sắt ở phụ nữ mang thai tăng cao, nếu thiếu sắt sẽ làm cho thai phụ dễ bị sinh non. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần có hiểu biết để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt giúp cho thai nhi khỏe mạnh.
Nguyên nhân do đâu?
Bình thường lượng sắt hấp thu qua đường ăn uống chỉ khoảng từ 5-15% nên không cung cấp đủ nhu cầuchất sắt cho cơ thể. Nhất là khi có thai người mẹ bị nghén, mệt mỏi cũng dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Chính vì vậy, nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Điều này xảy ra nhiều với thai phụ ở vùng nông thôn, vùng miền núi do điều kiện kinh tế còn khó khăn. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy lượng sắt và acid folic trong khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai nhiều địa phương chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu khuyến nghị. Nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai cần nhiều hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn.
Và những hệ lụy
Thiếu máu ở phụ nữ mang thai là có thể gây nhiều hậu quả nặng nề cho cả mẹ và con. Đối với mẹ khi thiếu máu dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Đối với thai nhi, khi mẹ thiếu máu thì trẻ sinh ra dễ bị nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, tăng tỉ suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu.
Cần chú ý đến chế độ ăn
Để phòng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai, nhân viên y tế tuyến cơ sở, các già làng, người có uy tín tại cộng đồng cần tuyên truyền phổ biến để phụ nữ mang thai chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic.
Hằng ngày, bữa ăn của thai phụ cần được chú ý cung cấp đầy đủ; các thành phần giàu đạm, sắt có nhiều trong thịt, cá, gan, trứng, đậu đỗ, rau xanh. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Dùng thực phẩm lên men (dưa chua, dưa giá…) cùng bữa ăn hoặc dùng các loại trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, quýt, đu đủ,… sau bữa ăn sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt tốt hơn. Thực phẩm giàu acid folic là rau lá xanh, gan, thận, nấm rơm, đậu đỗ, các loại hạt, trái cây đặc biệt là cam, dâu tây, lê, dưa hấu. Không uống trà đặc vì trà ức chế hấp thu sắt.
Ngoài ra, thai phụ cũng cần uống bổ sung sắt và acid folic mỗi ngày. Uống bổ sung sắt và acid folic cần uống đều đặn hàng ngày kể từ khi phát hiện có thai cho đến sau khi sinh 1 tháng.
Bác sĩ Ngọc Diệp - Suckhoedoisong.vn