Hải sản là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc nguy hiểm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau. Những biểu hiện ngộ độc phổ biến từ thực phẩm như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong.
Khi ăn hải sản hay bất kỳ thực phẩm nào, nếu có những biểu hiện trên cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, một số lưu ý sau đây là hết sức cần thiết để phòng tránh ngộ độc khi ăn hải sản:
Không ăn hải sản ở vùng nhiễm độc
Không nên ăn hải sản ở vùng nước biển bị nhiễm độc do ô nhiễm môi trường hay ở vùng biển có thủy triều đỏ, bởi hải sản nơi này dễ nhiễm phải tảo độc và gây ngộ độc, nhất là nghêu, sò, ngao... bởi những loại này rất khó để phân biệt.
Không ăn hải sản chế biến lâu
Không nên ăn những hải sản chế biến từ lâu vì sẽ không biết được nguồn gốc xuất xứ. Khi mua hải sản cũng không nên mua đồ đã chết, bởi hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, khi ăn vào càng dế bị dị ứng, ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Không ăn khi cơ địa dị ứng
Đối với những hải sản lạ, chưa từng ăn lần nào thì cần phải thận trọng, vì rất có thể bạn sẽ gặp nguy cơ ngộ độc hoặc dị ứng với nó. Đặc biệt, với trẻ nhỏ khi cho trẻ thưởng thức món hải sản mới, bạn chỉ nên cho trẻ ăn thử một ít bữa đầu. Nếu an toàn thì bữa sau mới cho ăn nhiều hơn.
Đối với cơ địa dị ứng, hải sản chỉ xảy ra đối với người nào có cơ địa không tiếp nhận loại hải sản nhất định. Vì vậy không thể lấy kinh nghiệm của người này áp dụng cho người khác. Nếu bạn bị dị ứng với một loại hải sản nào đó thì tốt nhất hãy đừng bao giờ ăn lại món đó.
Không ăn khi chưa chín kỹ
Nên ăn chín uống sôi để hạn chế bớt giun sán hay trứng ấu trùng ký sinh trong hải sản. Đặc biệt với món lẩu, khi ăn cần để chín kỹ, đặc biệt tránh ăn hải sản mới chỉ chín tái bởi lúc này nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao.
Không ăn cùng trái cây
Không nên ăn trái cây sau khi ăn hải sản, bởi sự kết hợp này không chỉ ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản của cơ thể mà lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi này tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa, và thậm chí sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
MH (Th)/Báo Gia đình & Xã hội