Tăng cường dinh dưỡng để trẻ không thiếu vitamin

Vitamin là thành phần không thể thiếu của cơ thể. Nhu cầu về vitamin của trẻ cao hơn người lớn. Khi cơ thể trẻ thiếu một loại vitamin nào đó sẽ xuất hiện những dấu hiệu cụ thể. Có rất nhiều loại vitamin cần thiết cho sức khỏe của trẻ, trong thực tế có một số vitamin thường bị thiếu và cần được bổ sung.

Thiếu vitamin A

Khi thiếu vitamin A, da của trẻ bị khô, ráp, sần sùi, dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, mắt có cảm giác khô, sợ ánh sáng, nhiều nước mắt. Trẻ bị quáng gà vào lúc chập choạng tối, trẻ còn bé có thể nhầm tưởng người khác là mẹ, trẻ hay vấp ngã va phải các đồ vật trong nhà... Đối với trẻ lớn hơn thì trẻ thường ngồi yên một góc (không dám chạy) trong khi các bạn đùa nghịch; khi ăn cơm, trẻ thường xúc trượt đĩa thức ăn... Trẻ bị thiếu vitamin A thường chậm tăng trưởng xương, mệt mỏi, lười vận động, không chịu chơi. Để dự phòng trẻ thiếu vitamin A chủ yếu là dinh dưỡng hợp lý và uống vitamin A theo lịch của cơ quan y tế. Nên cho trẻ ăn chế độ ăn có nhiều vitamin A như gấc, gan, cá, trứng, thịt và các loại rau xanh, củ, quả chín có màu vàng đỏ như cà rốt, hồng, xoài, đu đủ... Ăn thêm dầu mỡ để hấp thu vitamin A. Đưa trẻ đi uống vitamin A định kỳ 6 tháng 1 lần


                     .

Cho trẻ tắm nắng hàng ngày để phòng ngừa còi xương.

Dấu hiệu tiêu hóa do thiếu vitamin PP

Thiếu vitamin PP là bệnh thường gặp ở trẻ ăn dặm, do trẻ ăn quá nhiều chất bột; trẻ bị rối loạn tiêu hóa mạn tính. Trẻ bị thiếu vitamin PP thường bị tiêu chảy, đại tiện có chất nhầy mũi hoặc có máu; trẻ hay bị viêm miệng và lưỡi, ăn uống kém, ngủ ít, ù tai, giảm trí nhớ, lờ đờ. Nếu không được điều trị bổ sung kịp thời, bệnh nhi có thể nguy hiểm đến tính mạng do viêm phổi, viêm thận. Vitamin có trong nhiều thực phẩm như thịt, cá, sữa, trứng, rau xanh và các hạt ngũ cốc. Để giải quyết tình trạng này, mẹ hãy cho bé uống vitamin PP theo chỉ định của bác sĩ và bổ sung thêm thực phẩm một cách phong phú vào khẩu phần ăn.

Thiếu vitamin K

Xuất hiện trong thời kỳ mới đẻ, vào ngày thứ 3-5 sau khi sinh, do vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ vitamin K, hoặc ở các trẻ em bị tắc đường mật, rối loạn tiêu hóa. Triệu chứng chủ yếu là chảy máu: chảy máu đường tiêu hóa như nôn ra máu, đại tiện ra máu, chảy máu ở da, niêm mạc. Thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh có thể  gây xuất huyết não, màng não. Bệnh xuất hiện đột ngột, trẻ bỏ bú, khóc thét, da xanh, thiếu máu cấp tính, thóp căng phồng, co giật toàn thân hoặc cục bộ, lác mắt, sụp mi, giảm vận động nửa người, có cơn ngừng thở ngắn, hôn mê và dễ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh. Để dự phòng thiếu vitamin K, chế độ ăn của bà mẹ có thai và cho con bú cần có dầu mỡ, tăng cường thực phẩm giàu vitamin K. Cho trẻ bú sữa mẹ. Tiêm vitamin K trước khi đẻ và cho trẻ uống hoặc tiêm vitamin K ngay sau khi sinh.

Kẽm rất cần cho sự tăng trưởng

Thiếu kẽm nhẹ và vừa là tình trạng khá phổ biến ở trẻ. Có thể nhận thấy một số biểu hiện cụ thể như: trẻ tăng trưởng chậm, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chán ăn hoặc giảm ăn, không ăn thịt cá. Khi cơ thể trẻ thiếu kẽm, bữa ăn sẽ không còn “hấp dẫn” với trẻ vì đây chính là khoáng chất giúp tăng cường vị giác. Trẻ thiếu kẽm dễ rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, táo bón nhẹ, nôn và buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ngủ lơ mơ, thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm... ngoài ra trẻ còn có thể bị suy giảm khả năng miễn dịch: nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp, khô da, chậm mọc tóc... Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò... Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi... để trẻ có thể hấp thụ kẽm tốt hơn.

Nhận diện còi xương do thiếu vitamin D

Khi cơ thể trẻ thiếu hụt vitamin D sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi và phospho. Biểu hiện: trẻ hay đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, thóp rộng, chậm liền thóp, mọc răng muộn, trẻ dễ bị kích thích như: hay bực tức, khó chịu, ngủ trằn trọc, hay giật mình, rụng tóc... Vì vậy, khi trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D cần cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ). Về mùa đông không có ánh nắng cho trẻ đi tắm điện ở khoa vật lý liệu pháp tại các bệnh viện. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lớp quần áo thì sẽ còn rất ít tác dụng. Bên cạnh đó, cho trẻ bú sữa mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, bơ, phomai, cua, tôm, cá, dầu gan cá thu; cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ. Vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.

Tuy nhiên, để bổ sung vitamin hợp lý và an toàn, khi trẻ có các biểu hiện của thiếu vitamin cần đưa trẻ đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ vì bổ sung dư thừa dù là vitamin cũng có thể gây ngộ độc.

BS. Lê Thị Hương - Suckhoedoisong.vn