Ðừng để cơ thể thiếu vitamin D

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và tại nước ta.

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và tại nước ta. Dự phòng các bệnh lý tim mạch là tối quan trọng để giảm tử vong do bệnh lý tim mạch gây nên. Những bằng chứng gần đây đã cho thấy thiếu hụt vitamin D gia tăng tử vong và các bệnh lý tim mạch.

Vai trò của vitamin D với cơ thể

Các thụ thể vitamin D có nhiều ở các tế bào và mô khác nhau của cơ thể. Vitamin D cũng ảnh hưởng lên nhiều các chức năng sinh lý khác nhau. Hàm lượng vitamin D thấp thường đi kèm với nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành và tai biến mạch não. Dù đến nay, chúng ta vẫn không rõ mối quan hệ nhân quả của cơ chế bảo vệ của vitamin D lên hệ thống tim mạch nhưng một số cơ chế có thể được cho là nguyên nhân như ảnh hưởng lên yếu tố chống viêm, cải thiện hấp thụ đường, ức chế lắng đọng cơ trơn. Tất cả các yếu tố này được biết là lý do giảm tiến triển bệnh lý tim mạch và đái tháo đường.

Vitamin D có nhiều trong cá hồi, gan, nấm tự nhiên, sữa, ngũ cốc…

Đừng bỏ lỡ nguồn vitamin từ thiên nhiên

Vitamin D vẫn được biết nhiều đến trong tự nhiên hoặc trong thức ăn, các thực phẩm chức năng hoặc chúng ta phơi nắng dưới ánh nắng mặt trời. Có một số thức ăn có chứa nhiều hàm lượng vitamin D như cá hồi, dầu gan cá, nấm tự nhiên, sữa, ngũ cốc… Như vậy, có thể có vitamin D từ rất nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên, kể cả khi chúng ta không dùng thuốc, các thức ăn nhiều vitamin D thì cơ thể chúng ta vẫn có thể sản xuất đủ vitamin D từ việc tổng hợp qua da khi chúng ta ở dưới ánh nắng mặt trời. Ánh mặt trời với tia cực tím kích hoạt da tổng hợp vitamin D3. Vitamin D3 biến đổi qua gan thành 25 (OH) D và có thể đo được hàm lượng này trong máu. Vitamin D cuối cùng sẽ được giáng hóa qua thận của chúng ta thành một dạng hoạt chất sinh học là 1,25 (OH)2 D. Thiếu vitamin D có thể có một vài cơ chế như thiếu ánh nắng mặt trời, chế độ ăn kiêng quá mức hoặc do suy gan, suy thận nặng.

Bạn có nguy cơ bị thiếu vitamin D không?

Cách tốt nhất xác định tình trạng bạn có thiếu vitamin D hay không là qua đo hàm lượng 25 (OH) D trong máu. Thiếu hụt vitamin D được xác định là nồng độ 25 (OH) D thấp hơn 20mg/ml. Các nghiên cứu dịch tễ ước tính có ít nhất 30% người Mỹ có thiếu hụt vitamin D. Ở nước ta, một nước nhiệt đới tràn đầy ánh nắng mặt trời có lẽ tình trạng thiếu hụt vitamin D sẽ ít hơn so với tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ thường cho trẻ tránh ánh nắng mặt trời. Các cô gái thường sẽ giữ làn da mà tránh ra đường ban ngày. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các khuyến cáo lâm sàng cũng không có chỉ định định lượng hàm lượng vitamin D thường quy cho người bình thường ngoại trừ những bệnh nhân mà có nguy cơ cao thiếu vitamin D. Những bệnh lý có nguy cơ cao mà ta thường phải định lượng vitamin D là bệnh lý nhiễm trùng đường ruột, bệnh celiac (bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non do tình trạng nhạy cảm với gluten và gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng); làm cầu nối dạ dày, lớn tuổi, béo phì, suy gan và suy thận nặng. Những bệnh nhân loãng xương hoặc rối loạn chuyển hóa xương và những người dùng thuốc (như các thuốc corticoid, chống động kinh, thuốc chống virut) có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin D.

Dùng nhiều hơn vitamin D không phải là tốt hơn

Những người thiếu vitamin D thường không được khuyến cáo tăng bộc lộ mình dưới ánh nắng mặt trời dù điều này có thể làm tăng hàm lượng vitamin D, bởi do bộc lộ nhiều dưới ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Chỉ nên để cơ thể “tắm” nắng mặt trời vào buổi sớm, trước 9h sáng. Nên tránh dùng quá nhiều vitamin D bởi các tác dụng phụ lên dạ dày, hàm lượng cao canxi qua đường nước tiểu có thể gây sỏi thận hoặc lắng đọng canxi ở thành mạch máu.

TS.BS. Phạm Như Hùng - Báo Sức khỏe đời sống