Kẽm với sức khỏe trẻ em không chỉ là một khoáng chất
Làm thế nào để con mau lớn? Làm thế nào để con thông minh, tăng trưởng chiều cao tốt? Đấy là nỗi băn khoăn, là niềm hy vọng của biết bao bà mẹ. Để con mau lớn, khỏe mạnh, thông minh, cao ráo ngoài đảm bảo cung cấp số lượng thức ăn đủ năng lượng, bữa ăn hàng ngày còn cần phải đảm bảo chất lượng. Đóng một phần quan trọng vào chất lượng bữa ăn là sự đầy đủ các vi chất dinh dưỡng, là các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Một trong các khoáng chất vi lượng rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển được sự quan tâm rộng rãi của y tế cộng đồng và lâm sàng trong kỷ nguyên mới là kẽm. Vậy kẽm có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em như thế nào? Cơ chế để kẽm thực hiện vai trò đó?


Những thực phẩm giàu kẽm


Vào đầu thế kỷ thứ 19, người đầu tiên quan sát thấy sự thiết yếu của kẽm với vai trò một dưỡng chất là nhà sinh lý học người Pháp, Rauline. Ông ta thấy kẽm cần cho sự phát triển của một loại mốc bánh mỳ. Tuy nhiên, phải tới giữa thế kỷ 20, phân tích hóa học của kẽm mới tiến bộ đến mức có thể đo đạc được trong lâm sàng. Lúc này, một loạt bệnh nhân ở Boston bị xơ gan do uống rượu được phát hiện thấy có nồng độ kẽm trong máu rất thấp. Đồng thời, ở các nước Trung Đông như Iran và Ai cập, người ta phát hiện thấy một số thể lùn dị thường có liên quan đến suy chức năng tuyến sinh dục và chậm trưởng thành giới tính ở những trẻ nam vị thành niên trong các nhóm du mục. Bổ sung kẽm cùng với chế độ ăn cân bằng nhanh chóng làm hồi phục tăng trưởng chiều cao và thúc đẩy dậy thì. Tuy nhiên, chỉ đến khi thành lập nhóm tư vấn dinh dưỡng kẽm quốc tế (IZiNCG-International Zinc Nutrition Consultative Group) vào năm 2000 thì những bằng chứng về kẽm như một vấn đề sức khỏe cộng đồng rộng khắp và nghiêm trọng trên toàn thế giới mới bắt đầu trở nên rõ ràng
.

Kẽm là nguyên tố thứ 24 hiện diện dồi dào trên bề mặt quả đất, chiếm 0.0004%, là thành viên của chuỗi kim loại chuyển tiếp trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Chức năng sinh học của kẽm là do nó có liên quan tới cấu hình và chức năng của một loạt các enzyme và các yêu tố phiên mã nhân tế bào. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều protein mà đặc biệt là các protein “ngón tay kẽm” nằm trong nhân tế bào, và có ý nghĩa cho sự điều hòa và phiên mã thành các RNA đưa tin để tạo thành các peptid. Cơ thể lớn lên và phát triển là nhờ sự nhân lên của các tế bào và “ngón tay kẽm” tham gia vào rất nhiều quá trình hình thành các tổ chức, phát triển cơ thể như tạo tế bào máu, tái tạo cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc, phát triển phổi sơ sinh, , phát triển hệ xương và cơ trơn, kẽm cần thiết cho sản xuất insulin - rất quan trọng để điều tiết lượng đường trong máu, ngoài ra nó còn kiểm soát sự sinh sôi tế bào và ung thư…

Kẽm còn quan trọng với hệ miễn dịch. Nó kích thích sự phát triển và biệt hóa các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T qua đó tạo một hệ phòng thủ để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Rõ ràng là trẻ em có sức chống đỡ với bệnh tật tốt, ít đau ốm thì sẽ tăng trưởng và phát triển tốt hơn.

Sự phát triển của xương là rất quan trọng trong sự hình thành chiều cao của cơ thể. Mặc dù xương cần có nhiều thành phần dưỡng chất như các amino acid, can xi, phosphor và ma giê nhưng rối loạn các hoạt động của hooc-môn cũng làm hạn chế sự tăng trưởng xương. Hooc-môn tăng trưởng IGF là chất đưa tin quan trọng giúp xương phát triển dài ra. Sự hoạt động của IGF rất nhạy với tình trạng thiếu hụt kẽm ở trẻ em. Kẽm cũng có tác động kích thích tới sự tạo xương của tạo cốt bào và kìm hãm sự hủy xương của hủy cốt bào. Kẽm tham gia vào việc điều hòa gien cho việc hình thành các thành phần của xương. Do vậy, bổ sung kẽm làm tăng hoạt động của hooc-môn, làm trẻ ăn ngon miệng  và làm tăng trưởng chiều cao đáng kể ở trẻ em.

Kẽm là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe não bộ. Kẽm và vitamin B6 là những chất giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, vùng trung tâm bộ nhớ của não có tên gọi là vùng đồi hải mã có chứa lượng kẽm rất cao.

Trẻ vị thành niên thường phải đối mặt với các mụn trứng cá trên da. Kẽm giúp điều chỉnh lượng dầu và làm giảm nhiễm khuẩn gây ra mụn. Kẽm cũng giúp sản xuất collagen và chất này mang lại một làn da dẻo dai, mịn màng.

Một vấn để hiện nay đang được quan tâm là kẽm và sức mạnh nam giới. Kẽm có nồng độ cao trong tuyến tiền liệt, nó tham gia vào sự trao đổi nội tiết tố, cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, sự hình thành và vận động của tinh trùng. Thiếu kẽm làm chậm dậy thì ở trẻ nam và dẫn tới giảm lượng tinh trùng và tần suất tình dục ở đàn ông.

Tuy có vai trò quan trọng như trên nhưng các biểu hiện của thiếu kẽm lại vô cùng thầm lặng, tiềm tàng, khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ví dụ, mất cảm giác thèm ăn, rụng tóc, chức năng hệ miễn dịch suy yếu, tiêu chảy, tổn thương da và mắt, tăng trưởng chậm ở trẻ em và chứng bất lực ở nam giới. Theo điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng năm 2010, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi lên tới 82%. Đây là một tỷ lệ rất cao và có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Do tỷ lệ thiếu vi chất kẽm cao, biểu hiện thầm lặng, nên khi được phát hiện thì thiếu kẽm đã gây hậu quả sức khỏe nghiêm trọng trong thời gian dài nên việc dự phòng thiếu kẽm thông qua chế độ ăn là vô cùng quan trọng

Nhu cầu kẽm ở trẻ em là từ 2,4 đến 19,2 mg/ngày tùy theo lứa tuổi và giá trị sinh học của kẽm trong khẩu phần. Nguồn cung cấp kẽm chủ yếu ở các loại hải sản như hàu, tôm, cua, ghẹ…, các loại thịt có màu đỏ như thịt dê, thịt bò, lòng đỏ trứng gà… Kẽm không được dự trữ lâu dài trong cơ thể để “dùng dần” do vậy cần đảm bảo chế độ ăn hàng ngày có đủ kẽm. Hầu hết các thức ăn giàu kẽm đều có giá đắt. Do vậy, sử dụng các thực phẩm tăng cường kẽm là một biện pháp thuận tiện, giá cả phù hợp để bổ sung kẽm trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ em và người lớn, ở cả nông thôn và thành thị. Hiện nay trên thị trường có sản phẩm hạt nêm tăng cường vi chất kẽm, các bà mẹ có thể sử dụng với mức hợp lý trong bữa ăn gia đình. 


                                                  ThS. BS. Trần Khánh Vân - 
Viện Dinh dưỡng