Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể làm giảm khả năng học tập của trẻ
Sáng 25/5, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2015 tại trường mầm non Bình Yên A huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Chiều cùng ngày Viện Dinh dưỡng cũng tổ chức họp báo nhân ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6).

Theo Viện dinh dưỡng, tính đến năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân hiện vẫn ở mức 14,5% và thấp còi là 24,9%. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai vẫn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam đã thanh toán được tình trạng khô mắt gây mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A, tỷ lệ trẻ bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng giảm dần qua các năm; các hoạt động tuyên truyền phòng chống thiếu máu do thiếu sắt, thiếu i ốt... đã và đang được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của trẻ, được cộng đồng hưởng ứng cao. 


Ngày vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2015 với chủ đề "Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng và phát triển của trẻ". Chiến dịch vi chất dinh dưỡng được tổ chức thường niên trên phạm vi cả nước trong 2 ngày, ngày 1 và 2/6.

Tất cả trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi được uống bổ sung vitamin A tại các điểm quy định. Ngoài ra trẻ từ 37 - 60 tháng tuổi có nguy cơ cao, trẻ dưới 6 tháng tuổi thiếu sữa mẹ, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cũng được uống bổ sung vitamin A.

Theo Viện Dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển và tăng trưởng của trẻ cùng với chức năng bảo vệ cơ thể. Nhu cầu hàng ngày về vi chất chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng do cơ thể không tự tổng hợp được nên phải cung cấp hoàn toàn từ thức ăn.

Thiếu vi chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng phòng chống bệnh tật của trẻ.

Cụ thể, thiếu vitamin A khả năng miễn dịch ở trẻ cũng giảm, ảnh hưởng đến chức năng nhìn của đôi mắt, nếu thiếu nặng sẽ gây mù lòa. Thiếu sắt gây thiếu máu, ảnh hưởng đến phát triển cân nặng của thai nhi, làm giảm khả năng học tập ở trẻ và khả năng lao động ở người trưởng thành. Thiếu iốt gây bướu cổ và kém phát triển trí tuệ.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trước thời hạn, hệ thống tổ chức được kiện toàn và củng cố, các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng đã đi vào nề nếp. Tuy vậy, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn còn cao so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. 

Hoài Nam - Báo Gia đình & Xã hội