Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng lại rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của cơ thể, bao gồm khoảng 40 loại vitamin và khoáng chất. Các vi chất dinh dưỡng được quan tâm nhiều nhất hiện nay là Sắt, vitamin A và Iốt, ngoài ra còn có Acid folic, Kẽm…cũng có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển bình thường của thai nhỉ, tăng trưởng chiều cao của trẻ em.

Nguyên nhân gây còi xương là do thiếu vitamin D cho nên canxi không được hấp thu vào máu, vì vậy dù có uống canxi hay ăn nhiều thực phẩm có chứa canxi trẻ vẫn thiếu canxi và bị còi xương. Khi bị còi xương trẻ thường có những biểu hiện khác nhau, tùy theo mức độ giai đoạn phát triển của trẻ và cũng tùy theo giai đoạn của bệnh. Nếu trẻ ngủ ít thì cần tìm hiểu thêm về yếu tố môi trường (phòng ngủ, thời tiết không thuận lợi, ăn quá no hoặc quá đói….). Một số trẻ ở dạng hiếu động hay nô đùa nghịch ngợm ít nhiều có ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm. Còn triệu chứng thiếu kẽm thường âm thầm, kín đáo và hay gặp ở những trẻ suy dinh dưỡng thể còi cọc thấp bé, nhẹ cân, hoặc những trẻ hay bị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhất là tiêu chảy kéo dài. Nếu muốn xác định chính xác cần phải làm xét nghiệm định lượng canxi, kẽm trong máu.

Trích từ Cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Là các rối loạn gây nên do cơ thể bị thiếu một hoặc nhiều vi chất dinh dưỡng. Ví dụ khô mắt và mù lòa do thiếu vitamin A, chứng đần độn hoặc bệnh bướu cổ do thiếu Iốt, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.

Hậu quả của thiếu vi chất dinh dưỡng là làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể lực và trí lực, do đó làm giảm khả năng lao động và học tập. Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân tiềm tàng của tình trạng ốm đau, bệnh tật và tử vong ở bà mẹ và trẻ em.

Ai cũng có thể bị thiếu vi chất dinh dưỡng, nếu như không có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng đa dạng các thực phẩm và nhất là thiếu các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng, sau sởi, viêm phổi, ỉa chảy; thiếu nữ, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú… làm nhóm dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng nhất do nhóm đối tượng này có nhu cầu cao hơn về vi chất dinh dưỡng; bên cạnh đó bữa ăn của họ có thể không thường xuyên được cung cấp đầy đủ các thực phẩm có hàm lượng vi chất dinh dưỡng cao, nên cũng dễ dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” vì ban đầu, chúng ta không tự nhận biết được do nó không gây ra cảm giác đói khát; nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sau đó dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề, khó khắc phục. Ví dụ như bướu cổ và đần độn do thiếu Iốt; khô mắt và mù lòa do thiếu vitamin A; thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt…

Do nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày không đủ so với nhu cầu bình thường của cơ thể; Do nhu cầu về vi chất dinh dưỡng của cơ thể tăng cao trong một số giai đoạn nhất định như phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú, trẻ nhỏ; Do cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng (như giun, sán, sốt rét), hoặc trong bữa ăn có các chất ức chế hấp thu có thể làm cho tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng nặng thêm.

Hoàn toàn có thể phòng chống được! Cần phải dự phòng thiếu vi chất dinh dưỡng sớm cho các đối tượng có nguy cơ cao. Các giải pháp hiện nay được áp dụng, bao gồm:

Đa dạng hóa bữa ăn: ăn đa dạng các loại thực phẩm, chú ý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.


Uống các loại vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao dùng cho trẻ em, viên sắt/ acid folic dùng cho phụ nữ mang thai…). Hiện nay, giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được coi là giải pháp bền vững, hiệu quả, an toàn và đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin trong máu xuống thấp hơn giới hạn bình thường. Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ.

Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất. Sắt trong sữa mẹ tuy ít sắt nhưng tỷ lệ hấp thu cao. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.


Trong năm đầu tiên của cuộc đời trẻ tăng trưởng rất nhanh, do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Sắt cần cho quá trình tăng trưởng các mô (tổ chức, cơ quan) và tăng khối lượng hồng cầu. Nhu cầu sắt cho 1kg thể trọng trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn cho trẻ lại ít hơn. Thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, loại thức ăn nghèo sắt và chất sắt trong gạo rất khó hấp thu. Bữa ăn của trẻ ít thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, rau xanh, quả chín. Cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) quá sớm và thức ăn bổ sung nghèo dinh dưỡng sẽ dẫn đến thiếu máu.


Những loại thực phẩm chứa nhiều sắt là loại thức ăn nguồn động vật như thịt, phủ tạng (tim, gan, thận, tiết), gia cầm, trứng và thuỷ sản.

Thức ăn nguồn thực vật như vừng, lạc và các loại đậu, đỗ, rau giền, rau thơm, rau ngót, ngũ cốc.

Sự hấp thu sắt phụ thuộc vào bản chất của sắt trong thức ăn cũng như tình trạng sắt của cơ thể. Sắt có trong thức ăn nguồn động vật như thịt, phủ tạng, thuỷ sản là nguồn sắt quý tỷ lệ hấp thu cao. Sắt trong ngũ cốc, rau củ là và các loại hạt thì có tỷ lệ hấp thu thấp hơn nhiều và phụ thuộc vào sự có mặt của các yếu tố hỗ trợ hay ức chế hấp thu sắt trong khẩu phần.

  • Các chất hỗ trợ hấp thu sắt là thịt, cá, thuỷ sản, đặc biệt là Vitamin C có trong rau, quả chín.
  • Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thức ăn nguồn thực vật như Tanin, Phytat và một số chất xơ.

Do vậy cần lưu ý lựa chon các loại thực phẩm giàu sắt có tỷ lệ hấp thu cao.

Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Trong thời gian mang thai, ngoài chế độ ăn người mẹ cần uống thêm viên sắt để cung cấp sắt qua rau thai và sau đẻ qua nguồn sữa mẹ.     

Ở trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý.

Trẻ lớn hơn: chế độ ăn cần đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, chú ý sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt.

Hàng ngày nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt nguồn động vật như: gan gà, lợn, bò, trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc… các thực phẩm này chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thụ cao, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra, các loại thực phẩm  nguồn thực vật như các họ đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đen, lạc vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt được tốt thì cần ăn các thức ăncó chứa nhiều Vitamin C như các loại rau và quả chín: chuối, đu đủ, cam, bưởi…

Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, vệ sinh cá nhân, và vệ sinh môi trường có vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.

Trước hết cần cải thiện bữa ăn: tăng các thức ăn giàu sắt như thịt, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục, tiết), trứng, cá, thuỷ sản, đậu đỗ... và các thức ăn giàu Vitamin C như rau xanh, quả chín vì Vitamin C tăng cường hấp thu sắt, phối hợp nhiều loại thức ăn khác nhau, cải tiến cách chế biến như làm giá, muối dưa... để tăng hấp thu sắt.

Bổ sung viên sắt: phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được bổ sung sắt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Ở những nơi có chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng loại viên sắt có chứa 60 mg Sunfat sắt kết hợp với Acid Folic đang được sử dụng đại trà. Phác đồ bổ sung như sau: phụ nữ không có thai mỗi tuần uống 1 viên vào 1 ngày nhất định, uống liên tục trong 4 tháng hàng năm. Phụ nữ có thai cần uống viên sắt hàng ngày, mỗi ngày 1 viên trong suốt thời gian mang thai và tháng đầu sau đẻ.

Tích cực phòng chống nhiễm giun, nhất là nhiễm giun móc. Thực hiện vệ sinh môi trường, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không dùng phân tươi trong canh tác. Tẩy giun theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Thiếu Iod gây bướu cổ. Bướu cổ là hình ảnh phì đại của tuyến giáp. Tuyến giáp là nơi sản xuất ra các hóc môn giáp trạng, trong đó Iod là một nguyên liệu chủ yếu để tổng hợp các hóc môn này. Khi thiếu Iod, cơ thể sẽ phản ứng bù trừ bằng cách tăng sinh tuyến giáp, nhằm tăng cường hoạt động để sản sinh lượng hóc môn đầy đủ, vì vậy đẫn đến hiện tượng phì đại tuyến giáp hay bướu cổ.

Bướu cổ do thiếu Iod chỉ là phần bên ngoài mà chúng ta dễ nhận thấy. Điều quan trọng là thiếu Iod còn gây ra một loạt các rối loạn chức năng, với các hậu quả nghiêm trọng mà nhiều khi khó có thể đánh giá được. Hóc môn giáp (T3, T4) rất cần thiết cho phát triển thể lực, trí tuệ của trẻ. Bởi vậy khi thiếu Iod thường gặp các rối loạn sau:

Ở phụ nữ có thai dễ sảy thai, thai chết lưu, thai kém phát triển, trẻ đẻ ra bị đần độn về trí tuệ do tổn thương não vĩnh viễn và có nguy cơ bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân.

  • Thiếu Iod ở thời kỳ sau đẻ, thời kỳ thiếu niên gây chậm phát triển thể lực, đần độn, khả năng học tập kém.
  • Về mặt xã hội, thiếu Iod gây giảm năng suất lao động, giảm phát triển trí tuệ cho cả một cộng đồng.
  • Những rối loạn do thiếu Iod hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách sử dụng muối Iod.

Bữa ăn hàng ngày phải có dầu hoặc mỡ thì lượng Vitamin A trong thức ăn mới được cơ thể hấp thu bởi vì Vitamin A là một loại Vitamin tan trong dầu, mỡ. Bữa ăn không có dầu, mỡ là một trong những nguyên nhân gây thiếu Vitamin A, mặc dù bữa ăn có sử dụng thực phẩm giàu Vitamin A. Ngoài ra dầu, mỡ là những thức ăn giàu năng lượng, làm cho thức ăn mềm hơn dễ nuốt. Do vậy việc sử dụng dầu, mỡ không những để hấp thu Vitamin A mà còn bổ sung năng lượng vào bữa ăn của trẻ.

Vitamin A có nhiều chức phận quan trọng trong cơ thể. Trước hết là vai trò của nó đối với sự tăng trưởng. Trẻ em cần Vitamin A để phát triển bình thường, Thiếu Vitamin A làm cho trẻ còi cọc, tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, nhất là tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp.

Vitamin A có vai trò duy trì thị giác bình thường khi ánh sáng giảm, do đó biểu hiện sớm của thiếu Vitamin A là giảm khả năng thích nghi bóng tối, nhân dân ta gọi là "Quáng gà". Thiếu Vitamin A nặng sẽ gây khô mắt dẫn tới mù loà.

Thiếu Vitamin A thường gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú vì nhu cầu Vitamin A cao hơn các đối tượng khác; nhưng bữa ăn hàng ngày rất đơn điệu, thiếu dầu mỡ thậm chí không đáp ứng đủ lượng Vitamin A cần thiết.

Vitamin A có trong các thức ăn nguồn động vật như: trứng, sữa, cá, thịt, gan lợn, bầu dục, tôm … Thức ăn nguồn thực vật β - Caroten có nhều trong các loại rau có màu xanh đậm như: rau ngót, rau muống, rau giền, rau diếp, xà lách … và các loại củ quả có màu vàng như: gấc, cà rốt, bí đỏ và quả chín như đu đủ, xoài, hồng, mơ …

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng, tức là bao gồm các Vitamin (A, B, C, D, E …) và các vi khoáng (sắt, kẽm, đồng, selen, mangan …). Vitamin có nhiều trong rau quả và phủ tạng động vật. Các vi khoáng có nhiều trong thức ăn nguồn động vật.

Thiếu vi chất dinh dưỡng thưỡng dễ mắc bệnh:

  • Thiếu Vitamin A gây bệnh khô mắt, thiếu Vitamin B1 gây bệnh tê phù. Thiếu Vitamin D, canxi gây bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người già.
  • Thiếu sắt gây bệnh thiếu máu, thiếu Iod gây bệnh bướu cổ và đần độn.

Ngoài ra có thể thiếu những vi chất khác nhưng do biểu hiện của bệnh ít rầm rộ nên khó phát hiện.

Cà rốt thuộc loại củ, trong đời sống hàng ngày cà rốt được dùng như một loại rau thông dụng. Ngoài vai trò là rau, cà rốt còn có một vị thuốc được sử dụng để phối hợp điều trị một số bệnh.

Trong cà rốt có chứa nhiều Glucoza, chất Lecithin, Caroten, muối kali, magiê, sắt, canxi … Cà rốt rất giàu Caroten (cứ 100g cà rốt chứa 5 mg Caroten). Khi vào cơ thể chất này được chuyển hoá thành Vitamim A cần cho sự tăng trưởng, giúp cho mắt sáng, tăng sức đề kháng của cơ thể và giữ cho da dẻ mịn màng. Tuy nhiên nếu ăn cà rốt nhiều liên tục, lượng Caroten cao sẽ không được cơ thể chuyển hoá hết sẽ gây tích luỹ và ứ đọng ở gan gây chứng vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi. Do vậy mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn từ 2 đến 3 lần là tốt, mỗi lần một nửa củ to hoặc một củ nhỏ là vừa ( 50 gam).

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với phụ nữ có thai. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy khi phụ nữ có thai bị thiếu Vitamin A có nguy cơ cao đẻ non tháng, hoặc đẻ con có cân nặng thấp. Vì vậy cần đáp ứng đủ nhu cầu Vitamin A cho phụ nữ khi mang thai, nhu cầu Vitamin A cần đưa vào cơ thể là 800 mcg/ ngày. Ở Việt Nam, lượng Vitamin A trong khẩu phần của phụ nữ có thai ăn vào hàng ngày còn thiếu một nửa so với nhu cầu. Để phòng chống thiếu Vitamin A trong thời kỳ này, phụ nữ có thai cần tăng cường sử dụng các thức ăn nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và các thức ăn giàu chất tiền Vitamin A (được gọi là Beta Caroten) có trong các thức ăn nguồn thực vật như các loại lá màu xanh thẫm (rau ngót, rau muống, rau giền, rau bí...), quả chín có màu vàng da cam như đu đủ, xoài, mít, hồng hoặc củ quả có màu đỏ, vàng da cam như cà chua, bí đỏ, khoai lang nghệ... Thức ăn đa dạng, phong phú thực phẩm không những cung cấp Vitamin A cho cơ thể mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng khác đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng còn thiếu ở phụ nữ có thai.

Với phụ nữ có thai, việc uống Vitamin A cần thận trọng. Nếu nghi ngờ thiếu Vitamin A thì uống liều nhỏ hàng ngày từ 500 đến 1000 đơn vị Vitamin A hoặc 10.000 đơn vị/ ngày kéo dài trong 2 tuần.

Phụ nữ có thai tuyệt đối không được uống Vitamin A liều cao (từ 100.000 đến 200.000 đơn vị của chương trình phòng chống bệnh thiếu Vitamin A đã và đang triển khai ở Việt Nam) dễ gây dị dạng thai nhi.

Hiện nay, rất nhiều bà mẹ lạm dụng thuốc bổ cho con với mong muốn con mình sẽ cao hơn, thông minh hơn, béo khỏe hơn, mà không biết rằng nếu dùng quá nhiều thì lợi sẽ bất cập hại. Hầu hết các thuốc bổ cho trẻ đều chứa vitamin và canxi, với mục đích tăng cường sức khỏe, chiều cao của trẻ. Các thuốc này dùng ở mức độ vừa phải sẽ có lợi cho trẻ, nhưng nếu uống quá nhiều, canxi sẽ tích tụ khiến thận bị vôi hóa. Trẻ uống quá nhiều canxi sẽ bị táo bón, tăng canxi trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày sẽ bị vôi hóa thận. Còn trẻ uống quá nhiều vitamin D sẽ làm tăng canxi máu, làm canxi hóa các mô của cơ thể đặc biệt là mô tim, gan, thận. Chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài chế độ dinh dưỡng, còn là do di truyền hoặc mắc các bệnh khác. Bạn nên đưa trẻ đi khám, không tự ý dùng thuốc để kích thích chiều cao. Với những trẻ bị lùn do bệnh lý, nếu phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời thì có thể cải thiện chiều cao. Tốt nhất, bạn nên cho trẻ tập thể dục thể thao, ăn uống đủ chất dinh dưỡng cũng giúp cải thiện chiều cao rất tốt.

Bs. Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng

Người bị bệnh giun móc là nguồn lây lan bệnh chủ yếu theo quy trình như sau: trứng giun theo phân ra ngoài, trong đất nở thành ấu trùng, sống nhiều tuần. Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, gây ra những nốt mẩn đỏ và ngứa khoảng 3 – 4 ngày. Vào cơ thể ấu trùng theo máu và hệ bạch huyết lên phổi, chui vào phế nang, di chuyển lên phế quản và họng rồi được nuốt vào đường tiêu hóa đến ruột non. Trong ruột ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành, sống ở tá tràng, ruột non. Một phút một con giun móc có thể gây ra 4 vết hút máu trong thành ruột. Nguy hiểm nhất là các vết hút máu này tiếp tục chảy máu rỉ rả do miệng giun móc đã tiết ra chất chống đông máu, dẫn đến bệnh nhân bị mất nhiều máu, lâu ngày thành bệnh thiếu máu. Mặt khác giun móc còn tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu, gây thiếu máu kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu nhược sắc. Bệnh nhân có những biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, da xanh, niêm mạc nhợt, chóng mặt, khó thở…Điều trị cần diệt giun kết hợp với chữa thiếu máu. Nên chữa bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để phòng bệnh, cần thực hiện: sử dụng hố xí hai ngăn hợp vệ sinh, không bón phân tươi ra ruộng, diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở ruộng, vườn; không cho trẻ nhỏ chơi lê la trên đất; tránh ấu trùng nhiễm vào da bằng cách mang giày, dép, đeo găng tay khi phải tiếp xúc với đất.

Bs. Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng

Vitamin D giúp cho sự hấp thu các chất khoáng như canxi, phosphor và điều hành Canxi vào xương (nếu cơ thể thiếu vitamin D, lượng canxi hấp thu được chỉ là 20%, dẫn đến hậu quả trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ hoặc ba năm đầu sau khi sinh).

Để phòng bệnh còi xương cho trẻ:

Ăn uống đầy đủ, không kiêng khem. Nên bổ sung vitamin D khi mang thai, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như phomát, trứng, sữa, tôm, cua, cá…hoặc các thực phẩm như bánh quy có bổ sung thêm vitamin D. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần cho thêm mỡ hoặc dầu.

Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, cần để tay chân trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Bà mẹ uống bổ sung vitamin D 200.000UI vào thời điểm mang thai 7 tháng.

Cơ thể con người, tùy thuộc vào tình trạng sinh lý, hàng ngày cần khoảng 1 – 2mg sắt (thậm chí 3mg cho phụ nữ có thai).

Nếu chỉ 5% lượng sắt trong thức ăn được hấp thu thì để có được 2mg sắt cho cơ thể, bữa ăn cần phải cung cấp 40mg sắt. Đó là điều không thể đáp ứng được ngay cả với bữa ăn tương đối đầy đủ. Điều đó giải thích ngay cả với các nước công nghiệp phát triển có bữa ăn tương đối đầy đủ như Thụy Điển, Pháp…tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai chiếm khoảng 15 – 20%. Vì vậy trong điều kiện nước ta ăn uống đầy đủ vẫn phải uống viên sắt để phòng chống bệnh thiếu máu, đặc biệt ở phụ nữ có thai và trẻ em.

Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô da, giác mạc mắt, niêm mạc. Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Vitamin A giữ vai trò tăng trưởng và nhân lên của tế bào nên nó cũng rất cần thiết cho quá trình phát triển, đặc biệt là cần cho sự phát triển của phôi thai và trẻ em. Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo (dầu/mỡ), không tan trong nước.

Trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi dễ có nguy cơ bị thiếu  vitamin A do nhu cầu tăng cao nhưng khẩu phần ăn thiếu hụt hoặc rối loạn hấp thu. Nhu cầu của trẻ cao gấp 5 – 6 lần người lớn tính theo kg cân nặng. Ngoài ra khi  trẻ bị bệnh  như: sởi, thủy đậu, viêm phế quản, lao, … thì nhu cầu vitamin A tăng trong thời gian bị bệnh mà thức ăn không đủ cung cấp gây thiếu vitamin A. Trong thời kỳ bé bú mẹ, sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A chính, nếu mẹ thiếu vitamin A sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là bé cũng thiếu vitamin này. Giai đoạn trẻ ăn dặm và sau này, nếu bữa ăn bổ sung không đa dạng, các thực phẩm không nhiều vitamin A và lượng mỡ hoặc dầu thiếu dẫn tới không hấp thu được vitamin A trong khẩu phần, dẫn tới  không cung cấp đủ hàm lượng vitamin A cần thiết.

Cần bổ sung  vitamin A thông qua việc đa dạng hóa bữa ăn hàng ngày cho trẻ, cân bằng các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt chú trọng các thực phẩm như: gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ, cà rốt, xoài,… Song song là bổ sung đầy đủ chất béo tạo điều kiện cho quá trình hấp thu vitamin A.

Bà mẹ sinh con cần được uống  vitamin A liều cao/ 1 viên 200.000 đơn vị quốc tế (IU) trong vòng 1 tháng sau khi sinh để cung cấp cho trẻ qua sữa mẹ. Với trẻ em, cần được bổ sung liều cao theo qui định của chương trình. Liều lượng như sau:


  • +  Trẻ < 6 tháng không được bú  sữa mẹ: Uống 50.000 IU vitamin A x 1 lần duy nhất
  • +  Trẻ từ 6 – 12 tháng: cho uống 100.000 IU vitamin A x 1 lần duy nhất.
  • +  Trẻ trên 1 tuổi: Cứ 6 tháng cho uống 200.000 IU vitamin A.

Ngoài ra, hiện nay có một số loại thực phẩm được tăng cường vitamin A như: đường, sữa, dầu ăn. Biện pháp này mang lại hiệu quả cao vì bao phủ được phần lớn các đối tượng nguy cơ thiếu vitamin A, nhưng vẫn chưa được cộng đồng sử dụng rộng rãi.

Do Việt Nam vẫn là nước có mức độ thiếu vitamin A có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, các loại thực phẩm tự nhiên và thực phẩm có tăng cường vitamin A vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A  ở trẻ em, do đó biện pháp bổ sung vitamin A liều cao cho các đối tượng (như trên) vẫn được xem là một biện pháp can thiệp cộng đồng hiệu quả nhất hiện nay. Vì vậy, các bà mẹ sau sinh và trẻ em từ 6 đến 36 tháng, trẻ em dưới 5 tuổi (ở 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao) cần được uống bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm (đợt 1: ngày 1-2/6; đợt 2: tháng 12).



Ts. Bs Huỳnh Nam Phương - Viện Dinh dưỡng

Kinh nghiệm từ các chương trình và bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học trên thế giới về HIV và nuôi dưỡng trẻ nhỏ đã cho thấy rằng can thiệp ARV cho các bà mẹ nhiễm HIV và trẻ nhỏ phơi nhiễm với HIV có thể giảm đáng kể nguy cơ lây truyền mẹ con thông qua bú mẹ. Hiện nay người ta đã tìm thấy HIV trong sữa mẹ, khoảng 5-20% tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV qua sữa mẹ  do bú sữa mẹ của người mẹ bị HIV dương tính) nếu không có can thiệp. Trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV so với ăn hỗn hợp xuống còn khoảng 4%. Trẻ bú mẹ hoàn toàn kết hợp điều trị ARV (cho người mẹ) sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV xuống dưới 1%.  Không cho trẻ ăn hỗn hợp (vừa bú mẹ vừa ăn các thức ăn, nước uống hoặc sữa khác trong 6 tháng đầu) vì việc đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

 

Nếu bà mẹ nhiễm HIV thì nên cân nhắc về nguy cơ truyền HIV cho con mình qua sữa mẹ nguy hiểm hơn nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn do nuôi nhân tạo hay nguy cơ trẻ chết do không được bú mẹ cao hơn nguy cơ truyền HIV cho con. . Cần phải cân nhắc, lựa chọn giữa việc dự phòng lây nhiễm HIV với việc đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, bảo vệ trẻ khỏi các nguyên nhân khác dẫn đến tử vong, đảm bảo sự sống còn của trẻ và không làm tổn hại sức khỏe của bà mẹ. .

 

Theo hướng dẫn của WHO về HIV và nuôi dưỡng trẻ nhỏ năm 2010 đề nghị cán bộ y tế tư vấn cho bà mẹ có HIV dương tính lựa chọn nuôi dưỡng trẻ bị HIV dương tính  giống như trẻ không bị nhiễm HIV. Nếu thuốc ARV không có sẵn, các bà mẹ có HIV dương tính nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) có thể vẫn tạo cho trẻ  không bị HIV một cơ hội lớn hơn là nuôi dưỡng thay thế. Dù bà mẹ có HIV dương tính hay  không  nên được tư vấn NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bắt đầu cho ăn bổ sung từ sau 6 tháng và tiếp tục NCBSM đến 2 tuổi và lâu hơn. Họ chỉ nên dừng NCBSM khi họ có thể nuôi bằng chế độ ăn an toàn và đủ dinh dưỡng ngoài sữa mẹ. Họ nên dừng NCBSM dần dần trong vòng một tháng và tiếp tục dự phòng ARV trong 1 tuần sau khi dừng sữa mẹ hoàn toàn.

 

Theo hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Chăm sóc và Hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS (2012) trong đó có hướng dẫn về lựa chọn các hình thức nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Dựa vào tình trạng nhiễm HIV của trẻ sơ sinh: Nếu trẻ được chẩn đoán xác định là nhiễm HIV, bà mẹ nên NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu;  Nếu trẻ chưa xác định nhiễm HIV, các bộ y tế sẽ tiến hành đánh giá điều kiện của bà mẹ/người chăm sóc. Nếu bà mẹ và trẻ được điều trị ARV hoặc dự phòng lây truyền mẹ con bằng ARV theo qui định của Bộ Y tế, bà mẹ sẽ được tư vấn để NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong trường hợp không được điều trị/dự phòng ARV, bà mẹ sẽ phải được đánh giá xem có đáp ứng đủ 6 điều kiện nuôi dưỡng trẻ thay thế an toàn hay không. Nếu đáp ứng đủ cả 6 điều kiện thì mới được tư vấn để nuôi trẻ bằng sữa thay thế hoàn toàn trong 6 tháng đầu.



SÁU ĐIỀU KIỆN NUÔI DƯỠNG TRẺ THAY THẾ AN TOÀN THEO WHO

Những bà mẹ nhiễm HIV chỉ được dùng các loại sữa công thức làm sữa thay thế cho trẻ không nhiễm HIV hay trẻ chưa biết tình trạng nhiễm HIV khi SÁU điều kiện dưới đây được đáp ứng (WHO 2010):

  1. Gia đình hỗ trợ cách nuôi dưỡng này, VÀ

  2. Bà mẹ hoặc người chăm sóc có thể cung cấp sữa thay thế hoàn toàn trong 6 tháng đầu, VÀ

  3. Bà mẹ hoặc người chăm sóc có thể chắc chắn cung cấp sữa thay thế đầy đủ để hỗ trợ sự trưởng thành và phát triển của trẻ, VÀ

  4. Bà mẹ hoặc người chăm sóc có khả năng chuẩn bị cho trẻ sử dụng sữa thay thế sạch sẽ và thường xuyên sao cho an toàn và có ít nguy cơ gây tiêu chảy và suy dinh dưỡng, VÀ

  5. Nước sạch và vệ sinh được đảm bảo tại hộ gia đình và cộng đồng, VÀ

  6. Bà mẹ hoặc người chăm sóc tiếp cận chăm sóc y tế để nhận được dịch vụ sức khoẻ toàn diện cho trẻ.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quí giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị sớm HIV, các bà mẹ nhiễm HIV vẫn có khả năng nuôi dưỡng trẻ bằng nguồn sữa của mình an toàn. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ đảm bảo sự tiện lợi, tiết kiệm và tăng cường gắn kết tình cảm mẹ con mà hình thức nuôi thay thế không có lợi thế này.


TS. BS. Huỳnh Nam Phương - Viện Dinh dưỡng


Tôi đang mang thai ở tuần thứ 30. Từ khi có bầu, tôi thường xuyên uống viên canxi và viên thuốc bổ tổng hợp như bác sĩ kê đơn. Hiện tôi đang lo lắng vì nghe nói không nên uống canxi kéo dài, nhất là những tháng cuối thai kỳ vì dễ bị sỏi thận và vôi hóa bánh nhau. Xin quý báo cho biết, phụ nữ mang thai khi nào cần ngừng uống canxi? Tôi xin cảm ơn!

Trần Quỳnh (Quảng Nam)

Ở phụ nữ có thai, canxi đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành xương và răng cho thai nhi. Khi có thai, nhu cầu canxi tăng lên: Trong 3 tháng đầu, nhu cầu là 800mg/ngày, 3 tháng giữa là 1.000mg, 3 tháng cuối và khi nuôi con bú là 1.500mg/ngày.

Trong thời kỳ có thai, nếu người mẹ thiếu canxi, mặc dù có sự phân giải hợp chất canxi trong xương phóng thích vào máu để đáp ứng nhu cầu nhưng sự đáp ứng này chỉ có giới hạn. Thai nhi không thể tránh khỏi các ảnh hưởng xấu khi thiếu canxi: chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè bẩm sinh, dị dạng xương...

Thiếu canxi còn trực tiếp gây hại cho bà mẹ. Khi có thai thường tê chân, mệt mỏi, khó ngủ. Khi nuôi con bú, cơ thể người mẹ vẫn rất cần canxi. Nếu thiếu canxi, cơ thể sẽ suy yếu, đổ mồ hôi trộm, dễ sinh ra đau lưng, đau vai, đau khớp. Sự thiếu canxi trường diễn sau nhiều lần sinh là tiền đề gây loãng xương khi bước vào tuổi mãn kinh.

Khi mang thai, thai phụ nên bổ sung canxi bằng thực phẩm chứa nhiều canxi như: cua đồng, tôm đồng, sữa bột, sữa bò, sữa dê tươi, sữa đậu nành,vừng... Tuy nhiên, do trong quá trình chế biến, lượng canxi trong thực phẩm bị hao hụt nhiều nên thai phụ thường được bác sĩ kê đơn cho dùng bổ sung canxi bằng thuốc. Tốt nhất là dùng loại chứa cả canxi và vitamin D3, dùng theo đúng chỉ định vì thừa canxi hay vitamin D đều gây hại cho cơ thể. Việc bổ sung canxi và vitamin D3 còn được khuyến cáo dùng kéo dài sau sinh, lúc đang nuôi con bú. Trong thời kỳ cho con bú, nếu thiếu canxi, sữa mẹ kém chất lượng, trẻ sẽ bị thiếu canxi, có các biểu hiện như dễ bị giật mình, ngủ không yên, hay quấy khóc hoặc co giật...

Bạn đang dùng canxi và thuốc bổ theo đúng chỉ định thì không có gì phải lo lắng và nên đi khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Việc thai phụ không được uống viên thuốc canxi hoặc phải dừng uống canxi là khi có những biểu hiện bệnh lý đặc biệt như: bị tăng canxi máu; tăng canxi nước tiểu nặng; có tiền sử hoặc đang bị sỏi canxi (sỏi thận, sỏi mật, sỏi tụy...); bị suy thận nặng...

Chúc bạn mạnh khỏe!

DS. Lâm Thanh - Suckhoedoisong.vn


Sắt là một khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo máu và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể. Hàng ngày cơ thể cần một lượng sắt để thay thế những mất mát sinh lý và cung cấp cho quá trình tang trưởng ở trẻ em và quá trình thai nghén. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.

Phụ nữ còn bị mất sắt qua kinh nguyệt hang tháng. Khi có thai cần chất sắt nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi, rau thai và tăng khối lượng tuần hoàn của người mẹ. Nếu lượng sắt ăn vào không đủ sẽ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.

Ngoài ra, bị nhiễm ký sinh trùng, nhất là nhiễm giun móc làm cơ thể bị mất sắt cũng gây nên thiếu máu.

Nguồn: Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe & đời sống

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi  nếu huyết sắc tố <110g/lít thì được gọi là thiếu máu. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt chủ yếu là do các nguyên nhân sau:

Dự trữ sắt cơ thể thai nhi không đủ. Trước khi bé ra đời, ở trong tử cung của người mẹ, thai nhi đã có qúa trình tích luỹ sắt, lượng tích trữ sắt của trẻ sơ sinh bình thường, đủ tháng là 250-3000mg, đủ cho nhu cầu tạo máu 3-4 tháng sau sinh. Nếu tích luỹ không đủ do trẻ đẻ non, bé sinh đôi và do mẹ thiếu máu trong khi mang thai, đều làm cho bé bị thiếu máu do thiếu sắt.

Nguyên nhân thứ 2 là do tốc độ tăng trưởng của bé tăng nhanh. Bé thiếu tháng thì tốc độ tăng cân càng nhanh, lượng sắt hấp thu không đủ. ở cơ thể người hấp thu sắt từ thức ăn, mà với bé, thức ăn chủ yếu là sữa mẹ nhưng dù là sữa mẹ hay sữa bò thì hàm lượng sắt cũng thấp, không thoả mãn nhu cầu tạo máu của bé. Vì vậy nên cho bé ăn thêm thức ăn từ thứ 6 để tăng lượng sắt dự trữ.

Ngoài ra còn cần chú ý đến các yếu tố khác như các bệnh lý đường tiêu hoá, cảm cúm, hay dị ứng sữa bò đều là nguyên nhân có thể gây thiếu sắt.

Như vậy cần cho mẹ ăn uống đày đủ để tạo lượng sữa tốt cho con. Bên cạnh đó chế độ ăn của bé cần được thay đổi cho phù hợp bảo đảm cả về lượng và chất, giữ gìn sức khoẻ cho bé tránh khỏi các bệnh tật, nhất là các bệnh về đường tiêu hoá. Trước khi bổ sung sắt cho trẻ cần có ý kiến của bác sĩ, tuân thủ chặt chẽ liều lượng cũng như cách sử dụng như vậy mới có hiệu quả và tránh được tác dụng không mong muốn.

                                                                                                Nguồn: Viện Dinh dưỡng

Cân nặng của trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh lúc mới sinh trung bình khoảng 3.000g (3kg) và chiều cao trung bình của trẻ là khoảng 50cm. Nếu trẻ chỉ nặng dưới 2.500g thì thường là do trẻ bị thiếu tháng hoặc suy dinh dưỡng bào thai. Trong năm đầu của cuộc đời, sự phát triển của trẻ thường chia thành các giai đoạn như sau:3 tháng đầu trẻ phát triển rất nhanh: tăng cân từ 1.000-1.200g/tháng, chiều dài tăng khoảng 3cm/1 tháng. Trong 3 tháng tiếp theo trẻ tăng cân nặng từ 400-600g/tháng và chiều dài thường tăng 2-2,5cm/tháng. 6 tháng tiếp theo cân nặng của trẻ tăng ít hơn, từ 300-400g/tháng. Từ tháng thứ 7-9 chiều cao của trẻ tăng 2cm/tháng, đến 3 tháng tiếp theo thì còn giảm xuống 1-1,5cm/tháng. Như vậy, đến lúc 1 tuổi cân nặng của trẻ gấp 3 lần lúc sinh (từ 9-10kg) và chiều cao tăng gấp 1,5 lần lúc sinh (khoảng 75cm). Giai đoạn từ 2-10 tuổi cân nặng trung bình tăng từ 2-3kg/năm và chiều cao tăng từ 5-7cm mỗi năm.Giai đoạn từ 11-18 tuổi là giai đoạn trẻ dậy thì. Cân nặng và chiều cao tăng rất nhanh, có thể lên tới 8-10kg và 8-10cm mỗi năm. Để theo dõi sự phát triển của trẻ các bà mẹ phải thường xuyên cân và đo chiều cao cho trẻ.


  • Trẻ dưới 1 tuổi: 1 tháng cân đo cho trẻ 1 lần.

  • Trẻ từ 1-3 tuổi: 2 tháng cân đo 1 lần.

  • Trẻ trên 3 tuổi: 3 tháng cân đo 1 lần.

Nếu trẻ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân thì phải cân đo hàng tháng thậm chí 2 tuần 1 lần. Sau mỗi đợt trẻ bệnh cũng phải cân đo để theo dõi sự phục hồi của trẻ. Đối với trẻ dưới 2 tuổi sẻ dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự phát triển của trẻ. Nên sử dụng Bảng chiều cao theo tuổi, cân nặng theo tuổi,để xác định tình trạng sức khỏe của trẻ.

                                                                                            Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn (NCBSMHT) có nghĩa là chỉ cho con bú sữa mẹ mà không ăn thêm bất cứ một loại thức ăn, nước uống nào khác ngay cả nước đun sôi để nguội.

Sữa mẹ trong 6 tháng đầu đáp ứng đủ nhu cầu nước và các chất dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Sữa mẹ có tác dụng phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy và viêm phổi ở trẻ nhỏ, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như: béo phì, đái tháo đường, tim mạch.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là một trong những biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả vì khi trẻ bú đã truyền xung động lên não để bài tiết Prolactin nên có tác dụng ngăn cản sự  rụng trứng.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là cơ sở thuận lợi để duy trì cho trẻ bú mẹ kéo dài đến hai năm hoặc lâu hơn.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn còn tiết kiệm được kinh tế và thời gian chế biến thức ăn.

                                                                                             Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Do bữa ăn hiện nay của trẻ chưa đảm bảo đủ lượng Vitamin A cần thiết nên hàng năm trẻ được uống bổ sung Vitamin A (viên nang Vitamin A liều cao). Đây chỉ là liều bổ sung chứ chưa thể  bảo đảm đủ hoàn toàn lượng Vitamin A cho cơ thể, mỗi liều Vitamin A bổ sung chỉ có thể bảo vệ cho trẻ bình thường khỏi thiếu Vitamin A trong khoảng 3-4 tháng, chưa kể nếu trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp cấp) và suy dinh dưỡng thì nhu cầu Vitamin A sẽ còn cao hơn. Vì vậy mặc dù đã được uống Vitamin A theo chiến dịch, vẫn cần cho trẻ ăn các thực phẩm có Vitamin A.

Cũng cần xác định rõ rằng uống Vitamin A liều cao chỉ là giải pháp bổ sung tạm thời, cơ bản vẫn là cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

                                                                                             Nguồn: Viện Dinh dưỡng

Mục đích cho trẻ uống Vitamin A liều cao trong các đợt chiến dịch nhằm đề phòng thiếu Vitamin A, vì hiện nay tình trạng thiếu Vitamin A vẫn đang tồn tại ở trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Nguyên nhân chính gây thiếu Vitamin A là do bữa ăn của trẻ không có đủ Vitamin A, β-Caroten (tiền Vitamin A) cũng như các chất dinh dưỡng khác (dầu, mỡ, chất đạm…).


Về lý thuyết, khi trẻ đã ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng trong đó có đủ Vitamin A thì không nhất thiết phải cho trẻ uống Vitamin A liều cao. Tuy nhiên theo số liệu đánh giá gần đây thì trẻ em Việt Nam vẫn nằm trong vùng có nguy cơ thiếu Vitamin A, tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng còn cao. Mặt khác tình trạng Vitamin A còn có mối liên quan chặt chẽ với miễn dịch, tử vong và suy dinh dưỡng của trẻ, chính vì vậy mà Uỷ ban tư vấn quốc tế về Vitamin A đã khuyến cáo rằng: ở nơi nào còn có suy dinh dưỡng thì vẫn cần cho trẻ uống Vitamin A liều cao. Ở Việt Nam việc tổ chức cho trẻ uống Vitamin A liều cao vẫn cần được thực hiện trong những năm tới, chừng nào tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn là vấn đề của xã hội.


Vì những lý do trên, mặc dù trẻ được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhưng nếu ở địa phương có tổ chức chiến dịch uống Vitamin A cho trẻ dưới 36 tháng thì nên đưa trẻ đi uống Vitamin A liều cao một năm hai lần.

                                                                                    Nguồn: Viện Dinh dưỡng

Hỏi: Bé gái 17 tháng tuổi, cân nặng 6,8kg, cao 68cm. Hiện tại mỗi ngày bé ăn được 300ml sữa và 3 bữa bột mỗi bữa 100g. Bé mọc răng lúc 5 tháng nhưng phía sau đầu bẹt nhé. Xin cho biết có phải bé bị suy dinh dưỡng còi xương? Và đầu bẹt có chữa được không?

Trả lời:

Trẻ 17 tháng tuổi với cân nặng và chiều cao như vậy thì đã bị suy dinh dưỡng nặng rồi, bé bị thiếu cả cân nặng và chiều cao so với tuổi (ở tuổi này chiều cao cân nặng của trẻ gái là 10kg và 80cm). Đầu bẹt là dấu hiệu của còi xương thường gặp ở trẻ bị còi xương trong 3 tháng đầu đời, vì lúc này xương đầu của trẻ phát triển nhanh, khi thiếu canxi làm xương bị mềm, dễ biến dạng nên dẫn đến hiện tượng đầu bẹt. Đầu bẹt là di chứng của còi xương nên không thể chữa cho đầu tròn lai được nữa. Hiện tại cháu đang bị suy dinh dưỡng thể gầy còm nên có thể bổ sung vitamin D, canxi, kẽm. Về chế độ ăn mỗi ngày cho bé ăn 3 bữa cháo đặc, 600ml sữa cao năng lượng, 1 hộp sữa chua và hoa quả.

                             Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Bé sinh ra nặng 3,8kg. Hiện cháu được 5 tháng tuổi nặng 6,5kg, cao 65cm. Cháu bú mẹ hoàn toàn, ngủ không ngon giấc, hay giật mình và rụng tóc. Xin hỏi bé có bị còi xương?


Trả lời:


Bình thường trẻ đẻ ra cân nặng trung bình 3kg, mẹ có đủ sữa, được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nhưng hàng ngày không được tắm nắng và bổ sung thêm vitamin D thì bé vẫn bị còi xương vì còi xương là do thiếu vitamin D, nguồn vitamin D chủ yếu lấy từ ánh nắng mặt trời. Trong sữa mẹ hàm lượng vitamin D thấp không đủ đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Những dấu hiệu trẻ không ngủ yêu giấc, hay giật mình, rụng tóc là biểu hiện sớm của còi xương. Bạn có thể cho bé uống vitamin D3 mỗi ngày 2000đv trong 4 – 6 tuần sau đó uống mỗi ngày 400đv trong 6 tháng kèm theo uống canxi 300 – 500mg/ ngày. Kết hợp tắm nắng mỗi ngày từ 15 phút vào trước 10 giờ sáng hay sau 3 giờ chiều. Cần xoa bóp cơ thể cho bé hàng ngày để tăng cường chuyển hóa sẽ hấp thu vitamin D3 được tốt hơn.

Về chiều cao theo tổi bé vẫn đạt ở mức trung bình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (dù bé là trai hay gái) nên bé chưa bị suy dinh dưỡng. Còn cân nặng thì ở dưới ngưỡng mức trung bình (trẻ trai là 7,5kg, trẻ gái là 6,9kg), bé bị thấp cân nhưng chưa bị suy dinh dưỡng. Cần tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú theo nhu cầu và bú cả ban đêm để bé nhận đủ số lượng sữa cần thiết.



                   Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hỏi: Con em được 7 tháng tuổi, em cho cháu đi kiểm tra máu và phát hiện cháu bị thiếu canxi lúc 3 tháng tuổi, bệnh viện đã tiêm cho cháu 3 mũi vitamin D trong 3 tháng liên tục và cho uống bổ sung thêm canxi. Vậy tiêm vitamin D liều cao có làm hạn chế phát triển chiều cao của trẻ không?

Trả lời:

Vitamin D là vitamin tan trong dầu mỡ thải trừ chậm và tích lũy ở gan, nếu dùng liều cao hoặc kéo dài có thể gây ngộ độc. Vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em và giúp cho cơ thể hấp thu canxi từ xương vào máu. Nếu thiếu vitamin D, canxi sẽ gây loãng xương ở người lớn và gây còi xương ở trẻ em. Vitamin D được cung cấp từ thực phẩm nguồn gốc động vật và chủ yếu là ánh sáng mặt trời chiếu qua da. Vì vậy khi điều trị còi xương cho trẻ phải tùy theo mức độ, gian đoạn của bệnh và tuổi của trẻ để có liều lượng thích hợp. Nếu dùng liều cao kéo dài sẽ làm tăng quá trình cốt hóa ở các đầu xương ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ. Vì vậy khi điều trị bệnh còi xương bằng vitamin D liều cao cho trẻ cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Trích từ Cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi


Hỏi: Bé trai 13 tháng tuổi, nặng 9,4kg, cao 76cm trẻ nghịch ngợm leo trèo biến động, tinh thần phát triển tốt, cháu được chẩn đoán di chứng còi xương, có chuỗi hạt sườn. Tôi rất lo lắng, như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu?

Trả lời:

Với cân nặng và chiều cao hiện tại thì cháu phát triển bình thường không bị suy dinh dưỡng. Còi xương di chứng là những dấu hiệu để lại của bệnh còi xương do không được điều trị sớm, theo quy luật thì bệnh còi xương sẽ ảnh hưởng tới xương nào phát triển mạnh trong giai đoạn trẻ bị bệnh. Trẻ có chuỗi hạt sườn là do trẻ bị còi xương ở giai đoạn 6 tháng tuổi, lúc này xương lồng ngực phát triển nhanh, trẻ đang trong giai đoạn biết ngồi, di chứng này chỉ làm lồng ngực của trẻ không được đẹp, sau này lớn lên lồng ngực không được nở nang chứ không ảnh hưởng gì đến phát triển trí não cũng như cân nặng chiều cao của trẻ, khi lớn lên nếu cơ ngực phát triển tốt sẽ che lấp phần này đi. Tuy nhiên trẻ đang trong giai đoạn biết đi, nếu bị còi xương không được điều trị thì lại bị di chứng ở xương cẳng chân (chân vòng kiềng, chân chữ X) ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên để trẻ phát triển bình thường bạn cần lưu ý chế độ ăn, ăn thức ăn giàu đạm, canxi, sắt, kẽ và vitamin D….

Trích từ Cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi

 


Hỏi:

Cháu trai 11 tháng tuổi nặng 9,5kg, cao 75cm. Khi có thai em không uống bổ sung sắt và canxi, cháu được bú mẹ hoàn toàn trong 5 tháng đầu, từ tháng thứ 6 em cho cháu ăn dặm với nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, rau xanh…Từ tháng thứ 9 cháu vẫn bú mẹ và uống thêm nhiều sữa công thức khoảng 130ml/ ngày. Hàng ngày buổi sáng em cho cháu tắm nắng khoảng 30 phút. Cách đây 3 tháng cháu rụng tóc nhiều ở sau gáy hình vành khăn. Vậy cháu có bị còi xương không? Cách xử trí như thế nào?

Trả lời:

Khi người mẹ mang thai cần bổ sung sắt và canxi. Đồng thời khi mang thai cần ăn uống đầy đủ nghĩa là ăn tăng hơn bình thường ăn nhiều chất đạm động vật, ăn nhiều chất có hàm lượng canxi cao như trứng, sữa, tôm, cua, cá…ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như gan, lòng đỏ trứng gà, thịt bò, cá…các loại rau, đặc biệt là rau có màu xanh sẫm như rau muống, rau dền, ngót…thì canxi và sát có thể đủ cho sự phát triển của trẻ. Mặt khác khi trẻ ra đời cũng cần được nuôi dưỡng đúng, được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý. Mẹ và trẻ thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì có thể phòng tránh được bệnh còi xương cho trẻ. Con bạn 9 tháng tuổi có dấu hiệu rụng tóc vành khăn, có thể cháu đã bị còi xương, bạn nên cho cháu uống vitamin D, canxi kết hợp tắm nắng.

Trích từ Cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi


Để đánh giá sự tăng trưởng thường dựa vào các chỉ số cân nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng ngực, vòng cánh tay và tỷ lệ các phần của cơ thể:

Tăng trưởng về cân nặng:

Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh đủ tháng lúc mới đẻ là 2800 – 3000g. Con trai lớn hơn con gái, con dạ thường nặng hơn con so.

Cân nặng của trẻ tăng nhanh trong 6 tháng đầu, cân nặng gấp đôi khi trẻ được 4 – 5 tháng tuổi và đến cuối năm cân nặng tăng gấp 3 lúc đẻ.

Từ năm thứ hai trở đi cân tăng chậm hơn, trung bình mỗi năm tăng 1,5kg.

Có thể ước tính cân nặng của trẻ trên 1 tuổi:

Cân nặng (kg) = 9 + 1,5 (N – 1); N: là tuổi của trẻ tính theo năm.

Tăng trưởng chiều cao.

Chiều cao của trẻ sơ sinh trung bình 48 – 50 cm, con trai cao hơn con gái.

Trong năm đầu chiều cao của trẻ tăng rất nhanh nhất là trong những tháng đầu sau đẻ.

Trong 3 tháng đầu mỗi tháng tăng lên 3 – 3,5cm.

3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng lên 2cm.

6 tháng cuối trung bình mỗi tháng tăng được 1 – 1,5cm.

Lúc 12 tháng chiều cao của trẻ đạt được 75cm.

Trên 1 tuổi trung bình mỗi năm tăng 5cm.

Có thể ước tính chiều cao của trẻ trên 1 tuổi:

Chiều cao (cm) = 75 + 5N.

N: là số tuổi của trẻ tính theo năm.

Tăng trưởng vòng đầu, vòng ngực, vòng cánh tay.

Vòng đầu của trẻ sơ sinh là 32 – 34 cm, lúc 1 tuổi là 44 – 46 cm, 2 tuổi là 48cm và đến 5 tuổi vòng đầu là 50 cm.

Vòng ngực lúc mới đẻ nhỏ hơn vòng đầu là 1 – 2cm, khoảng 30 – 31 cm. Đến 6 tháng tuổi vòng ngực đuổi kịp vòng đầu và sau đó vòng ngực phát triển nhanh hơn vòng đầu.

Vòng cánh tay lúc 1 tháng tuổi khoảng 11cm và đạt được 13,5cm lúc trẻ tròn 1 tuổi. Trẻ từ 1 – 5 tuổi vòng cánh tay tăng chậm, đến 5 tuổi là 14 – 16cm.

PGS. BS Đào Ngọc Diễn


a. Trường hợp không tiêm chủng

Không tiêm liều 2 hoặc liều 3 vaccin bạch hầu – ho gà – uốn ván nếu khi tiêm lần 1 trẻ đã có phản ứng mạnh như trẻ co giật trong vòng 3 ngày sau khi tiêm.


b. Tiêm chủng cho trẻ bị bệnh


+ Trẻ bệnh nhẹ: vẫn tiêm chủng bình thường.
+ Trẻ sốt nhẹ: vẫn tiêm chủng bình thường
+ Trẻ sốt cao, bệnh nặng phải nằm viện: bác sỹ sẽ quyết định với từng trường hợp cụ thể.
+ Trẻ suy dinh dưỡng: cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin.

c. Phản ứng phụ

BCG: phản ứng thường xảy ra sau khi tiêm khoảng 2 tuần. Tại chỗ tiêm xuất hiện một nốt đỏ nhỏ, hơi sưng, sau 2 – 3 tuần chỗ sưng trở thành áp xe nhỏ rồi loét ra và để lại sẹo có mặt phẳng hơi lõm, bờ không răn rúm đường kính khoảng 3 – 5mm. Nếu sau tiêm trẻ không có sẹo hoặc sẹo nhỏ đường kính dưới 3mm thì phải tiêm lại.

Vaccin bại liệt: thường không có phản ứng phụ.

BH – HG – UV:

Sốt: một số trẻ bị sốt vào chiều tối sau khi tiêm vaccine. Sốt sẽ hết trong vòng 1 ngày. Nếu trẻ bị sốt kéo dài trên 24 giờ sau khi tiêm vaccin thì cần theo dõi và đưa trẻ đi khám vì có thể do không phải do vaccin.

Tổn thương tại chỗ: một số trẻ bị đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, một số trẻ quấy khóc sau tiêm. Nếu các hiện tượng trên xuất hiện sớm ngay sau khi tiêm có thể là do phản ứng gây sốt.

Không cần điều trị gì, các biểu hiện đó sẽ tự mất đi sau 1 – 2 ngày. Nếu trẻ bị sốt cao quá hay nơi tiêm bị sưng tấy gây đau có thể cho uống paracetamol.

Vaccin sởi: trẻ có thể bị phản ứng phụ như sốt và nổi ban. Sau khi tiêm vaccin khoảng 1 tuần trẻ có thể bị sốt 1 – 3 ngày, đô khi nổi ban như sởi. Những phản ứng này nhẹ hơn mắc bệnh sởi. Nếu trẻ bị sốt cao quá thì cho uống paracetamol.

Vaccin uốn ván: sau khi tiêm có thể đau, sưng chỗ tiêm vài ngày rồi tự khỏi.

Vaccin viêm gan B: không có những phản ứng phụ đáng kể.

Vaccin viêm não: tại chỗ tiêm có phản ứng nhẹ như sưng đỏ, không cần xử trí gì sẽ tự khỏi.

Vaccin tả: sau khi uống có cảm giác buồn nôn.

Vaccin thương hàn: có một số ít trường hợp bị sốt nhẹ và hơi đau tại chỗ tiêm.

PGS. TS Đỗ Thị Kim Liên

Người ta đã thấy rõ mối liên quan chặt chẽ giữa khẩu phần của  mẹ (đặc biệt là năng lượng của khẩu phần) với mức tăng cân và cân nặng của con khi sinh. Nếu khẩu phần có mức năng lượng thấp dẫn tới tăng cân thấp sẽ có nguy cơ đẻ con nhẹ cân dưới 2500g. Điều đó có nghĩa là khi có thai, người mẹ cần phải chú ý ăn uống bồi dưỡng để đảm bảo mức tăng cân trung bình là 10 kg. Số cân này sẽ giúp bà mẹ khi sinh con đạt trung bình 3 kg, giúp mẹ có đủ mỡ dự trữ góp phần tạo sữa cho con bú. Năng lượng trong khẩu phần của phụ nữ có thai theo nhu cầu là 2550 Kcal nhiều hơn khi không có thai (2200 Kcal) là 350 Kcal. Tuỳ hoàn cảnh của mỗi gia đình, bà mẹ có thể ăn thêm 2 bát cơm mỗi ngày là đã đưa vào cơ thể thêm 300Kcal, hoặc thêm củ khoai, bắp ngô, quả trứng, đậu, vừng, lạc, rau, quả chín. Nếu có điều kiện ăn thêm thịt, cá trứng, sữa ... Khi có thai bà mẹ nên kiêng uống bia rượu, thuốc lá, thức ăn quá mặn, giảm bớt gia vị như ớt, hạt tiêu ...

                                                                                 Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Trong thời kỳ có thai, nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của bào thai, rau thai và tăng khối lượng hồng cầu của mẹ. Trong đó, sắt là một vi chất dinh dưỡng, có vai trò sinh học khá quan trọng, đặc biệt là tham gia vào quá trình tạo máu. Hiện nay, bệnh thiếu máu do thiếu sắt đã và đang là một trong những bệnh thiếu vi chất khá phổ biến ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cứ 2 phụ nữ có thai thì 1 phụ nữ bị thiếu máu.


Các biểu hiện khi bị thiếu máu là mệt mỏi, làm việc kém tập trung, đôi khi hoa mắt, chóng mặt. Nặng hơn là nhức đầu, khó thở khi gắng sức, năng suất lao động giảm, da xanh, niêm mạc nhợt, nồng độ huyết sắc tố (hay Hemoglobin) trong máu dưới 11 g/dl.


Nếu thấy các biểu hiện trên thì cần đi khám thai, xét nghiệm máu để có chẩn đoán xác định và có hướng can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó cần uống bổ sung viên sắt/Acid Folic (loại viên hàm lượng 60 mg sắt nguyên tố và 0,4 mg Acid Folic), liều lượng 1 viên/ ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng.


Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, ngay cả khi mẹ bị bệnh, có thai, có kinh nguyệt hay gầy yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong khoảng thời gian từ sau sinh đến 6 tháng tuổi. Sữa mẹ trong vài ngày đầu sau đẻ gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc sánh. Sữa non nhiều đạm, Vitamin A và các yếu tố bảo vệ cơ thể, giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Sữa non có tác dụng đào thải phân su, trẻ đỡ vàng da. Sau giai đoạn sữa non sữa mẹ chuyển tiếp sang sữa trưởng thành, sữa này gồm có sữa đầu bữa và sữa cuối bữa. Sữa đầu bữa là sữa ở đầu bữa bú. Sữa có màu hơi xanh, trong và lỏng. Trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều nước và đủ chất dinh dưỡng. Sữa cuối bữa là sữa ở cuối bữa bú, có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo và có nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt.

Phân tích thành phần các chất trong sữa mẹ cho thấy chất đạm và chất béo trong sữa mẹ dễ tiêu hoá và hấp thụ. Đường lactose trong sữa mẹ nhiều hơn trong các loại sữa khác cung cấp thêm nguồn năng lượng cho trẻ.

Chất sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu nên trẻ bú mẹ sẽ không bị thiếu máu do thiếu sắt. Sữa mẹ chứa đủ lượng canxi và phốt pho giúp trẻ phát triển tốt, ít bị còi xương.

Sữa mẹ có đầy đủ các loại Vitamin, nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu thì không cần bổ sung thêm Vitamin và nước quả.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Để phòng chống thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Trong thời gian mang thai, ngoài chế độ ăn người mẹ cần uống thêm viên sắt để cung cấp sắt qua rau thai và sau đẻ qua nguồn sữa mẹ.     

Ở trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý.

Trẻ lớn hơn: chế độ ăn cần đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, chú ý sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt.

Hàng ngày nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt nguồn động vật như: gan gà, lợn, bò, trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc… các thực phẩm này chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thụ cao, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra, các loại thực phẩm  nguồn thực vật như các họ đậu: đậu tương, đậu xanh, đậu đen, lạc vừng cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt được tốt thì cần ăn các thức ăncó chứa nhiều Vitamin C như các loại rau và quả chín: chuối, đu đủ, cam, bưởi…

Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, vệ sinh cá nhân, và vệ sinh môi trường có vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.

                                                                                       Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Trong thỉên nhiên, Iod được dự trữ chủ yếu trong nước biển. Từ biển, Iod theo hơi nước bay lên và đưa vào đất liền; như vậy mưa đã bổ sung Iod cho đất, nhưng lại kéo theo Iod ra biển. Quá trình bào mòn Iod này là liên tục, lượng Iod bị kéo trôi ra biển lớn hơn lượng được cung cấp, vì vậy trước kia thiếu Iod chỉ xuất hiện ở những quần dân cư sống ở vùng núi cao, nhưng càng ngày thiếu Iod xuất hiện càng phổ biến cả ở vùng dồng bằng do đất ở nơi đây cũng bị thiếu Iod.

Cây cỏ, lương thực, động vật được nuôi trồng ở vùng đất thiếu Iod cũng bị thiếu Iod và do vậy con người ăn những thức ăn này cũng không có đủ lượng Iod cần thiết. Vì thế, toàn thể mọi người, dù sống ở vùng đồng bằng, thành thị, có thức ăn đầy đủ vẫn phải sử dụng muối Iod trong bữa ăn hàng ngày để phòng chống bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu Iod.


Nguồn: Viện Dinh dưỡng

Khi trẻ bị béo rồi thì chỉ phải hạn chế dầu mỡ trong bữa ăn chứ không phải là cấm ăn dầu mỡ. Vì dầu mỡ ngoài cung cấp năng lượng còn là dung môi hoà tan các loại Vitamin tan trong dầu như: Vitamin A phòng bệnh khô mắt, giúp trẻ phát triển thể lực, Vitamin D chống bệnh còi xương, Vitamin K, Vitamin E tham gia vào nhiều chức phận trong cơ thể.

  • Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: vẫn có thể cho 1/2 - 1 thìa dầu hoặc mỡ vào 1 bát bột hoặc cháo của trẻ tuỳ theo mức độ béo.

  • Đối với trẻ lớn: không nên cho ăn các loại thịt mỡ, da các loại gia cầm như gà, ngan, vịt. Khi nấu các món xào, rán, cho ít dầu, mỡ hơn đối với trẻ bình thường.

  • Đối với trẻ béo điều quan trọng là vận động để tiêu hao năng lượng chứ không nên nhịn ăn để giảm béo.


                                                                         Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là thực phẩm của bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, Vitamin và đủ nước cho cơ thể. Trong khẩu phần có các chất sinh năng lượng là chất bột, đạm và béo. Rau và hoa quả cung cấp các Vitamin, chất khoáng và xơ. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý (Tham khảo bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam).


Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng cân đối hợp lý. Khẩu phần năng lượng từ chất bột chiếm từ 65-70%, chất đạm là 12-14%, chất béo là 18-20%.


Bên cạnh sự cân đối về các chất sinh năng lượng còn phải bảo đảm cân đối về nguồn thức ăn động vật và thực vật. Trong thành phần chất đạm thì đạm động vật chiếm 35-40% và có đủ các Acid Amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối. Chất béo nguồn thực vật là 40-50%, còn chất béo động vật chiếm 50-60% so với tổng số chất béo.


Muốn đảm bảo một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hoá bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Phối hợp thực phẩm nguồn động vật và nguồn thực vật, ví dụ không chỉ  ăn thịt, cá, mà còn ăn đậu phụ, vừng, lạc, rau và hoa quả.


                                                                                            Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Ăn không đủ chất béo sẽ gây nguy hiểm đối với cơ thể và não, ngược lại khi ăn quá nhiều cũng sẽ làm tăng tích luỹ Lipid cao trong máu và gây nên các bệnh về tim mạch và đái tháo đường. Chất béo động vật có nhiều Acid béo no và Cholesterol nếu ăn nhiều sẽ tích luỹ Cholesterol cao trong máu và dẫn đến xơ vữa động mạch.


Lượng chất béo trong khẩu phần của nhân dân ta thường thấp hơn so với nhiều nước ở miền ôn đới. Do đó chúng ta cần nâng dần lượng chất béo lên 15-20% nhiệt lượng của khẩu phần đối với người lớn và 20-25% đối với trẻ em. Với người cao tuổi nên giảm bớt lượng chất béo động vật và thay thế bằng chất béo thực vật như dầu lạc, dầu cám, dầu đậu tương hoặc dầu cá vì dầu thực vật và dầu cá đều chứa nhiều Acid béo chưa no cần thiết, giúp cho việc phòng chống bệnh tim và xơ vữa động mạch. vv…


Ngoài ra cần tăng cường hoạt động thể lực trong ngày sao cho phù hợp với năng lượng đưa vào cơ thể. Do điều kiện ngày càng có nhiều máy móc tự động hoá, thay thế một phần hoăc toàn bộ lao động chân tay, nên rất cần quan tâm đến các hoạt động thể lực nhằm tránh tăng cân quá mức hoặc béo phì.


                                                                                                  Nguồn: Viện Dinh dưỡng

Không thể nói ăn cá tốt hơn ăn thịt bởi vì:

  • Thịt cung cấp cho cơ thể các Acid Amin cần thiết, các Acid béo không no giúp cho sự phát triển của nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, thịt còn có các chất khoáng, Vitamin và các yếu tố vi lượng tốt như sắt, kẽm, đồng, cô ban. Nhưng trong quá trình tiêu hoá thịt tạo ra nhiều sản phẩm trung gian độc đối với cơ thể, trong thịt lại có nhiều mỡ, nhiều Acid béo no, nếu ăn nhiều sẽ tăng nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, cao huyết áp.

  • Cá và các chế phẩm là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Cá là nguồn protid quý, có đủ các acid amin cần thiết, mỡ cá có nhiều Vitamin A, D và các loại Acid béo chưa no. Cá, nhất là cá biển có nhiều chất khoáng quan trọng như Canxi, Photpho, Clo, Natri, Fluo và các yếu tố vi lượng (đồng, asen, coban, kẽm, Iod …). Lượng Iod ở một số loại cá biển rất cao, cá thu có từ 1,7 - 6,2 mg/kg.

  • Thịt của cá dễ tiêu và dễ hấp thu, tổ chức liên kết phân phối đều nên khi nấu thì chóng chín, mềm dễ tiêu hoá và hấp thu.

  • Cá, thịt đều có giá trị dinh dưỡng cao, vì vậy nên ăn cả cá lẫn thịt và phối hợp với các thức ăn khác bổ sung đầy đủ thành phần các chất dinh dưỡng và tạo cảm giác ngon miệng.


                                                                                                      Nguồn: Viện Dinh dưỡng
Tôi nghe nói ở tuổi trung niên rất hay bị loãng xương nên định mua canxi về uống bổ sung. Vậy xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Lê Thị Minh (Bình Định)

Do sợ bị loãng xương nên rất nhiều người đã tự ý mua canxi về uống mà không biết rằng điều này rất nguy hiểm. Bởi loãng xương không chỉ đơn thuần do thiếu canxi, mà còn hàng loạt các nguyên nhân khác. Ở một số người thiếu vitamin D, thiếu protit, tăng hoạt động các tế bào hủy xương, hạn chế hấp thụ canxi ở ruột, bị các bệnh nội tiết, lạm dụng các thuốc kháng viêm nhóm corticoide. Vì thế nếu cơ thể thiếu vitamin D gây kém hấp thụ canxi thì việc cung cấp thêm canxi là không có tác dụng.

Bổ sung thực phẩm giàu can xi hàng ngày giúp phòng loãng xương.

Việc tự ý uống bổ sung canxi rất nguy hiểm. Khi cơ thể thừa canxi, tùy mức độ có thể xuất hiện các biến chứng như: ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, mất nước (do tiểu nhiều), sỏi thận... Vì vậy, để phòng bệnh loãng xương, cách tốt nhất cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn uống điều độ và vận động nhẹ hằng ngày, hạn chế uống cà phê, rượu, trà. Nếu bữa ăn hằng ngày đầy đủ các thực phẩm giàu canxi như: tôm, tép, ốc, cua, trứng, cá... các loại rau, củ, hạt (súp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành, đậu phộng, dầu mè, trái thơm, sữa...) thì ở người bình thường không sợ thiếu hụt canxi. Riêng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú nhu cầu cao hơn là 1.000 - 1.200 mg, khi bổ sung canxi cần có hướng dẫn của nhân viên y tế. Do vậy, nếu chị nghi ngờ mình bị loãng xương cần đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được khám và tư vấn. Khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc việc bổ sung như thế nào cho hợp lý.

Bác sĩ Anh Thư - Suckhoedoisong.vn


Hỏi:

Con em được 6 tháng tuổi. Khoảng 1 tháng gần đây bé ngủ không yên giấc, đầu cựa quậy liên tục và hay khóc. Em nghĩ là bé bị thiếu canxi, có nên bổ sung canxi cho bé?

Trả lời:

Ở 6 tháng tuổi nhu cầu về canxi của trẻ khoảng 400 – 500mg/ ngày, nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn hoặc ăn được 600 – 700ml sữa ngoài thì cũng đủ cung cấp nhu cầu canxi cho trẻ, tuy nhiên nếu thiếu vitamin D thì lượng canxi trong chế độ ăn hàng ngày không được hấp thu dẫn đến hiện tượng thiếu canxi nên có các biểu hiện rối loạn giấc ngủ. Trước hết cần bổ sung vitamin D 500 – 1000 đơn vị tức 1 – 2 giọt Aquadetrim, tiếp tục cho bé bú mẹ và ăn thêm 1 bữa bột. Sau 1 – 2 tuần nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì cần bổ sung canxi, ngoài ra cần bổ sung thêm kẽm thì mới cải thiện được tình trạng giấc ngủ của trẻ. Trường hợp trẻ ăn sữa ít (mẹ thiếu sữa, ăn sữa ngoài ít) thì bổ sung canxi khoảng 300 – 500 mg/ ngày, bổ sung vitamin D, kẽm.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Con tôi được 29 tháng tuổi, cân nặng 12 kg. Cháu ăn uống ở nhà trẻ là chủ yếu, ở nhà chỉ uống sữa công thức. Cháu hay ra mồ hôi trộm, ngủ hay giật mình, quấy khóc. Có phải do thiếu canxi?

Trả lời:

Canxi là nguyên tố quan trọng trong hoạt động sống của con người. Canxi chiếm 1,5 – 2% trọng lượng cơ thể, trong đó 99% tồn tại trong xương, răng, móng tay, móng chân, 1% tồn tại trong máu, trong tổ chức phần mềm và dịch ngoài tế bào. Canxi có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh. Khi cơ thể thiếu canxi thì hoạt động dẫn truyền thần kinh bị ức chế, công năng hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh bị suy giảm. Ở trẻ em thiếu canxi thường có những biểu hiện khóc đêm, quấy khóc, rối loạn chức năng vận động, ngủ hay giật mình. Canxi còn tham gia vào hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, khi thiếu canxi dẫn đến cường thần kinh giao cảm trẻ hay kích thích vật vã, hốt hoảng, và tăng tiết của tuyến mồ hôi dẫn đến tình trạng ra nhiều mồ hôi ngay cả khi trẻ ngủ gọi là mồ hôi trộm…Canxi còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động co giãn của cơ bắp. Thiếu canxi kéo dài thì khả năng đàn hồi của cơ bắp kém, suy giảm chức năng tiêu hóa: Chán ăn, đầy bụng, táo bón hoặc ỉa lỏng. Nếu trẻ không được tắm nắng hoặc bổ sung vitamin D, chế độ ăn thiếu canxi thì khả năng thiếu canxi cũng rất hay gặp.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Con em hay ra mồ hôi trộm, ngủ hay giật mình, tóc khô dựng đứng và rụng tóc vành khăn sau đầu. Từ 6 tháng tuổi bác sĩ kê đơn cho uống vitamin D 1 giọt/ ngày kéo dài 1 tháng, sau đó tăng liều vitamin D 4 giọt/ ngày (2000 đơn vị) kéo dài 2 tháng rưỡi và Calcicorbier trong 1 tháng rưỡi, nhưng hiện tại tóc cháu vẫn khô, chưa hết vành khăn. Vậy có nên tiếp tục cho cháu uống nữa không? Liệu có bị thừa canxi, vitamin D.

Trả lời:

Theo các dấu hiệu bạn mô tả thì đúng là hiện nay cháu vẫn đang bị còi xương mặc dù đã được uống vitamin D và canxi. Vitamin D là loại tan trong dầu mỡ, vì vậy khi chế độ ăn thiếu chất béo thì dù có uống Vitamin D trẻ cũng không hấp thu được, ngoài ra những trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy, đi ngoài phân sống, táo bón…thì cũng không hấp thu được vitamin D, trường hợp này phải tiêm vitamin D mới có tác dụng. Mặt khác bệnh còi xương ngoài thiếu vitamin D dẫn đến thiếu canxi còn do thiếu một số vi chất dinh dưỡng khác như kẽm, magie… nên trẻ cần được bổ sung thêm kẽm và magie nữa, nhất là tình trạng tóc khô và cứng, tóc rụng nhiều thì khả năng thiếu kẽm là rất lớn. Với trường hợp của con bạn thì nên đi khám lại bác sĩ, nếu cần thiết phải xét nghiệm máu định lượng vitamin D huyết thanh, canxi máu, photphataza kiềm, và định lượng canxi niệu là tốt nhất thì mới biết có bị thừa hoặc thiếu vitamin D hay không? Tuy nhiên điều trị vitamin D kéo dài với liều thấp thì cũng không sợ thừa vitamin D, canxi. Bạn có thể tiếp tục cho bé uống vitamin D 500 đơn vị/ ngày cho đến khi trẻ biết đi đồng thời kết hợp tắm nắng, ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng hấp thu vitamin D và giúp vitamin D trở thành dạng hoạt động để tham gia vào quá trình chuyển hóa canxi.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Con em được 4,5 tháng tuổi, có biểu hiện của bệnh còi xương như ra mồ hôi trộm, tóc rụng hình vành khăn, đã cho uống vitamin D3. Như vậy cháu có cần uống thêm canxi nữa không và uống loại nào là phù hợp với lứa tuổi của cháu?

Trả lời:

Còi xương là một bệnh do thiếu vitamin D3 làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể phải huy động canxi ở xương vào máu, gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Vì vậy khi điều trị còi xương bằng vitamin D cần bổ sung canxi để giúp xương phát triển bình thường. Tùy theo lứa tuổi và mức nặng nhẹ của bệnh còi xương mà bổ sung canxi, các loại canxi ở dạng khác nhau. Bổ sung canxi cho trẻ ở lứa tuổi này trung bình từ 300 – 500mg/ ngày kéo dài trong 2 tuần. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại canxi. Bạn nên cho bé uống siro canxi là phù hợp, ngoài ra ở lứa tuổi này cần lưu ý tình trạng giảm canxi máu đột ngột gây co giật dễ nguy hiểm cho bé.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hỏi:

Trẻ trai 19  tháng tuổi, cân nặng 12 kg, cao 81 cm, rất hiếu động nhưng đêm ngủ không ngon giấc, chân hơi cong, phát triển vận động bình thường. Lúc 3 tháng tuổi có hiện tượng rụng tóc vành khăn, đã cho uống vitamin D3 dự phòng 2 giọt/ ngày (1000 đơn vị). Vậy hiện tại bé còn bị còi xương không?

Trả lời:

Nếu uống vitamin D không đủ liều thì trẻ vẫn có thể bị còi xương. Mặt khác vitamin D là loại tan trong chất béo (dầu, mỡ) nếu chế độ ăn thiếu chất béo, hoặc trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa thì vitamin D dù có uống vẫn không hấp được. Khi bị còi xương ngoài việc uống vitamin D đủ liều trẻ cần uống thêm cả canxi và kẽm nữa. Hiện tại con bạn phát triển về cân nặng thì bình thường, nhưng chiều cao thiếu 2cm so với chuẩn, kèm theo các dấu hiệu ngủ không ngon giấc, chân cong như vậy có thể bé vẫn bị còi xương hoặc còi xương di chứng, bé cần được uống vitamin D3, 4 giọt/ ngày (2000 đơn vị) trong 4 tuần sau đó giảm 2 giọt/ ngày kéo dài 2 tháng. Ngoài ra cần uống thêm 500mg canxi và 5mg kẽm/ ngày kéo dài trong 3 tuần. Chế độ ăn đủ dầu mỡ và tắm nắng 30 phút/ ngày trước 10 giờ sáng hay sau 3 giờ chiều vì cơ thể hấp thu vitamin D qua da nhiều hơn qua đường uống.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Tôi mới sinh bé lần đầu tiên nên chưa hiểu biết nhiều về nuôi con bằng sữa mẹ. Nhiều người khuyên nên cho con bú sữa mẹ thì con sẽ khỏe mạnh, phát triển tốt. Có đúng như vậy không?

Trả lời:

Điều này hoàn toàn đúng, trước heets, cho con bú sữa mẹ là phong tục tập quán nuôi con của các bà mẹ Việt Nam ngàn đời nay. Về khoa học thì sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và chất khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng. Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Trong sữa mẹ có những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ăn nào có thể thay thế được đó là: các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh nhiễm khuẩn. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema như ăn sữa bò. Cho trẻ bú sữa mẹ rất thuận lợi vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải đun nấu, dụng cụ pha chế. Trẻ bú sữa mẹ sẽ kinh tế hơn nhiều so với nuôi bộ bằng sữa bò hoặc bất cứ loại thức ăn nào khác, vì sữa mẹ không mất tiền mua. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái thì sẽ đủ sữa cho con bú. Nuôi con bằng sữa mẹ tăng cường sự gắn bó mẹ con, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên là yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triển hài hòa của trẻ. Cho con bú còn làm giảm tỷ lệ ung thư vú, ung thư tử cung ở người mẹ. Chính vì những lý do trên, các bà mẹ nên thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Con tôi 3 tháng tuổi, cân nặng 4,5kg. Cân nặng lúc đẻ 2,6kg, từ khi sinh đến nay cháu được bú mẹ hoàn toàn. Tôi thấy cháu tăng cân chậm so với trẻ cùng tuổi. Cháu đi đại tiện khó, tôi phải thụt cho cháu 1 tuần/ lần Vậy có phải cháu bị táo bón do sữa mẹ không?

Trả lời:

Trẻ 3 tháng tuổi cân nặng trung bình ở trẻ gái phải đạt là 5,8kg và trẻ trai là 6,4kg, hiện tại cháu nặng 4,5kg là dưới mức trung bình so với chuẩn. Mỗi trẻ có một mức tăng cân khác nhau, nhưng thường tăng nhiều hơn ở 2 – 3 tháng đầu sau sinh, sau đó tăng cân cân chậm hơn để đến khi trẻ được 12 tháng đạt 9 – 9,5kg. Cháu được bú mẹ hoàn toàn là rất tốt. Bình thường sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt chất xơ và nước giúp trẻ chống táo bón, nhưng nếu mẹ ăn kiêng thiếu chất xơ, uống ít nước thường bị táo bón thì con cũng bị táo bón. Táo bón làm cho trẻ chậm tăng cân. Ngoài ra trẻ có thể bị bệnh ở đại tràng, như phình đại tràng bẩm sinh. Sau khi đã chú ý các vấn đề trên mà trẻ vẫn còn táo bón, thì nên cho cháu đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân. Để bú, mỗi lần 10 – 15 phút, xoa dọc theo khung đại tràng từ phải sang trái dể kích thích nhu động ruột. Mẹ tập xi bé sau bữa bú để gây phản xạ mót rặn.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Bé 4 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Em để ý thấy mỗi lần em ăn cá, mực....thì bé đi ngoài phân loãng, nhưng nếu ăn thịt bò, lợn, gà...thì bé đi phân sền sệt. Em có nên dừng ăn đồ tanh, hải sản?

Trả lời:

Thức ăn của bà mẹ cho con bú ăn vào được hấp thu qua ruột non vào máu và qua sữa mẹ. Một số trẻ bú mẹ có thể bị dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn của mẹ và hay gặp là cua, cá, lạc, sữa mẹ. Trẻ thường có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng, mẹ nên ngừng thức ăn hải sản trong một thời gian cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi, sau đó ăn từng ít một và theo dõi nếu trẻ ỉa phân bình thường thì bạn có thể tiếp tục ăn. Vì ở thời kỳ này bộ máy tiêu hóa của trẻ được hoàn thiện hơn, có thể dung nạp thức ăn tốt hơn những cũng cần lưu ý từ 6 tháng tuổi trở lên, trẻ bắt đầu ăn bổ sung, nếu trẻ bị dị ứng với đồ tanh, hải sản thì không cho ăn. Tuy nhiên khi bạn ăn hải sản, con bạn đi ngoài phân lỏng, số lần đi dưới 3 lần/ ngày thì vẫn trong giới hạn bình thường.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Con tôi hiện 6 tháng tuổi, gần đây cháu bị đi ngoài phân sống có bọt, tôi nghĩ có thể do cháu không hấp thu được đường lactose trong sữa mẹ, tôi ngừng không cho bú mà thay bằng sữa công thức không có đường lactose và ăn thêm 2 bữa bột. Tôi băn khoăn có nên tiếp tục cho cháu bú mẹ không?

Trả lời:

Bé được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng như vậy là rất tốt. Kể cả khi bị rối loạn tiêu hóa như ỉa phân sống, có bọt thì vẫn cần tiếp tục cho bú sữa mẹ, hoặc sữa dùng cho trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp được đường lactose (trừ trường hợp bẩm sinh do không có men lactase để tiêu hóa đường lactose) và càng không nên thay đổi chế độ ăn như cho ăn bột khi trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa ở lứa tuổi này. Nên tiếp tục cho bú sữa mẹ vì sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, hấp thu nhất. Mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế ăn nhiều đường, uống nhiều nước ngọt. Nếu bé chỉ đi ngoài 1 – 2 lần trong ngày, vẫn bú tốt lên cân đều thì không đáng lo ngại, nếu trường hợp bé đi ngoài trên 3 lần/ ngày phân nhiều nước, bú ít, quấy khóc, đầy bụng, nôn trớ thì nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và xử trí kịp thời.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi:

Tôi nghe nói trẻ em ăn phủ tạng động vật sẽ không tốt cho sức khỏe vì trong phủ tạng có nhiều chất béo và lượng Cholesterol cao. Vậy có nên cho trẻ ăn không? Con gái tôi được 1 tuổi, có nên cho ăn mỗi tuần 1 bộ óc lợn không?

Trả lời:

Các loại phủ tạng động vật như tim, gan, óc, thận có hàm lượng chất đạm, chất béo cao, đặc biệt là hàm lượng cholesterol vì vậy ở người trưởng thành, người béo, người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu không nên ăn vì tăng hàm lượng Cholesterol – một thành phần gây rối loạn mỡ máu, nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Đối với trẻ em, khi cơ thể đang lớn và phát triển nhu cầu chất đạm, chất béo cao hơn so với người lớn. Đặc biệt ở trẻ em, chất béo động vật rất cần cho sự phát triển trí não và hệ thần kinh của trẻ, vì thế các chất béo này tuy có hàm lượng Cholesterol cao nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe của  trẻ mà ngược lại trong tim, gan, thận ngoài chất đạm có nhiều acid amin cần thiết, lại có nhiều sắt, kẽm, vitamin A rất tốt cho trẻ để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, vì vậy trẻ vẫn ăn được. Tuy nhiên, các phủ tạng rất dễ nhiễm khuẩn nên khi mua cần lựa chọn sao cho đảm bảo tươi, vệ sinh an toàn. Mỗi bữa ăn của trẻ không quá 50g, mỗi tuần nên ăn 2 – 3 lần. Đối với trẻ bị thừa cân, béo phì thì nên hạn chế. Một điều rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ là cần ăn đa dạng, thường xuyên thay đổi món để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Về óc lợn thì theo bảng thành phần thức ăn Việt Nam, 100g góc heo (lợn) có 9g protit (đạm) 9,5g lipid (béo), 0,4g gluxit. Trong đó có 7mg canxi, 311g phospho, 1,6mg chất sắt (Fe), và lượng vitamin thấp (B1: 0,14mg, B2: 0,2 mg, PP: 2,8mg). Óc lợn chủ yếu có nhiều chất béo, nhưng chất béo của óc lợn là chất béo no. Nếu ăn nhiều chất béo no sẽ khó tiêu hóa, hấp thu có thể gây nên đầy bụng. Mỗi tuần chỉ nên cho bé ăn 1 – 2 lần, mỗi bữa chỉ nên khoảng 30g (tối đa 50g), không nên ăn quá nhiều dễ gây rối loạn tiêu hóa.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Hỏi

Con tôi vừa tròn 2 tuổi, bé cao 86cm, nặng 12kg nhưng bị táo bón rất nặng, có khi 3 – 4 ngày không đi ngoài. Tôi nghe nói đạm thực vật nhất là các loại đậu đỗ cung cấp hàm lượng đạm cao, rất tốt cho cơ thể. Vì vậy, tôi định giảm thịt, cá, tôm, cua..., tăng đạm thực vật lên cho bé đỡ táo bón. Liệu có đảm bảo sự phát triển thể chất không?

Trả lời

Nhiều loại thức ăn thực vật có tỷ lệ đạm rất cao, nhất là đậu đỗ, vừng lạc. Hơn nữa, chất đạm từ thực vật lại rẻ tiền hơn nhiều so với đạm động vật, có thể là sự lựa chọn tốt cho nhiều người. Tuy nhiên, tùy theo lứa tuổi mà nên sử dụng hàm lượng đạm từ thực vật như thế nào, vì giá trị sinh học của đạm trong đậu đỗ, vừng, lạc, ngũ cốc thấp hơn trong thịt, cá, trứng, tôm, cua... nên sự hấp thu cũng kém hơn. Vì thế, với đạm thực vật từ đậu đỗ, vừng lạc chỉ nên ăn một bữa/ ngày. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhu cầu protein động vật cao, lên tới 70% trong tổng lượng đạm, cho nên nguồn đạm từ động vật phải được ưu tiên hàng đầu. Đạm động vật rất phong phú với nhiều loại thức ăn như thịt, cá, tôm, cua... Trong đó, đạm cá rất giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hơn thịt lợn, bò hơn nữa còn có những axit béo không no rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Vì thế, nên cho trẻ ăn ít nhất 3 bữa cá một tuần. Về chiều cao, cân nặng của bé so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đạt ở mức trung bình, không bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, chế độ ăn cần đảm bảo đủ lượng đạm theo khuyến cáo. Mỗi ngày cho bé ăn từ 100 – 120g thịt hoặc cá, tôm, cua....,rau xanh 200g....Còn tình trạng táo bón của con bạn có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do chế độ ăn cần phải điều chỉnh. Ngoài ăn cháo, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, nhất là các rau củ có tính nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, củ khoai lang, bạn cần lưu ý cho con uống đủ nước xen kẽ giữa các bữa ăn. Kết hợp xoa bụng cho bé để kích thích tăng nhu động ruột. Ngoài ra có thể dùng men vi sinh hỗ trợ điều trị táo bón.

Trích từ cuốn Hỏi đáp Chăm sóc dinh dưỡng và Sức khỏe cho trẻ dưới 5 tuổi.


Thể tim cấp thường xảy ra đột ngột ở trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Trẻ vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường nhưng vật vã, da tái nhợt, khó thở dữ dội, rên è è. Mạch nhanh nhỏ, tim đập nhanh, gan to. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể chết vì suy tim cấp, ngược lại nếu được điều trị bằng vitamin B1 trẻ sẽ khỏi nhanh.

Đối với trẻ từ 5 – 12 tháng tuổi, bệnh có thể xuất hiện từ từ với những biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như sốt ho. Trẻ quấy khóc, khóc yếu và khàn tiếng hoặc mất hẳn tiếng do liệt dây thần kinh thanh quản.

Một số trẻ có biểu hiện giống như viêm não, viêm màng não. Trẻ ngủ nhiều, thóp căng, nôn, co giật, lác mắt...

Ngoài ra thiếu vitamin B1 thể nhẹ có thể gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Biểu hiện của bệnh là trẻ không tăng cân, biếng ăn, táo bón, ít ngủ, hay quấy khóc, giảm trương lực cơ, phản xạ gân xương giảm.

Trích từ cuốn Nuôi dưỡng & Phòng chống bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi.


Sử dụng gạo có chất lượng tốt, không nên xay xát gạo kỹ vì sẽ mất vitamin B1 trong cám gạo.

Khi vo gạo không nên ngâm gạo lâu trong nước và khi nấu cơm cần đậy vung kín.

Tăng cường các thực phẩm có nhiều vitamin B1 trong bữa ăn hàng ngày: thịt, trứng, đậu đỗ, rau xanh đặc biệt ở bà mẹ có thai và cho con bú.

Không cho trẻ ăn bột quá sớm hoặc ăn quá nhiều bột.

Sử dụng kháng sinh hợp lý để tránh loạn khuẩn đường ruột.

Uống vitamin B1 để phòng bệnh nhất là trẻ em, bà mẹ có thai và cho con bú vào thời vụ giáp hạt, sau úng lụt và những vùng ăn gạo xay xát kỹ.

Trích từ cuốn Nuôi dưỡng & Phòng chống bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ biếng ăn, yếu, mỏi chi, hay bị chuột rút, tê bì, có cảm giác kiến bò ở chân, phản xạ gân xương giảm, dần dần rối loạn cảm giác, các cơ teo yếu, đi lại khó khăn. Trẻ gầy mòn suy yếu và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nặng.

Ở một số trẻ khác có thể xuất hiện hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực, đau vùng trước tim, mạch nhanh, huyết áp tăng, phù 2 chân và suy tim cấp.

Bệnh thiếu vitamin B1 (beri beri) thường khó chẩn đoán, dễ nhầm với các bệnh viêm não, viêm màng não, tim mạch... Vì vậy khi phát hiện thấy trẻ có những dấu hiệu cấp tính nêu trên cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám và điều trị.

Trích từ cuốn Nuôi dưỡng & Phòng chống bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hỏi

Cháu trai nhà tôi được 3 tuổi rồi nhưng rất khảnh ăn. Cháu lại hay mắc bệnh về đường tiêu hóa, tóc rụng nhiều và rất còi. Tôi đi khám, bác sĩ nói cháu bị thiếu kẽm và cho uống siro, bổ sung cốm kẽm. Xin hỏi thiếu kẽm có nguy hiểm không? Ngoài thuốc tôi cần bổ sung kẽm cho cháu bằng cách nào?

Phạm Thị Huệ - Hải Dương

Thiếu kẽm gây ra sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn. Dấu hiệu sinh hóa của tình trạng thiếu kẽm bao gồm giảm nồng độ kẽm trong huyết thanh, giảm alkaline phosphatase, alcohol dehydrogenase trong võng mạc, giảm testoterone trong huyết tương và suy giảm chức năng hoạt động của tế bào lympho T, giảm tổng hợp collagen dẫn tới vết thương lâu liền và giảm hoạt động của RNA polymerase. Cháu nhà bạn 3 tuổi sẽ cần khoảng 10mg kẽm/ ngày. Ngoài các loại siro, cốm kẽm mà bác sĩ đã kê nên lựa chọn một số thực phẩm nhiều kẽm cho cháu như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...), giá đỗ. Nếu cháu biếng ăn có thể dùng thêm sữa công thức, bột dinh dưỡng, bánh bích quy có bổ sung kẽm.

PGS, TS Nguyễn Thị Lâm – Viện Dinh dưỡng (báo Khoa học & Đời sống)


Chị M.T.H (Giảng Võ, Hà Nội) mới có con 7 tháng tuổi. Nghe đài báo nói nhiều về việc bổ sung vi chất cho trẻ nhưng chị nghĩ con mình còn nhỏ, lại bú mẹ hoàn toàn nên cũng không cần thiết. Nếu cần bổ sung thì đợi đến 2 – 3 tuổi khi cháu biết ăn dặm cũng không muộn. Mẹ chị cũng nói rằng, trước đây nuôi chị và các em, bà chỉ ăn khoai, ăn sắn, chả ai biết đến vi chất là gì mà vẫn lớn như thổi, không ốm đau bệnh tật gì.

Lời bàn: Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ ở nhóm từ 6 – 23 tháng tuổi có tỷ lệ thiếu đa vi chất cao nhất (sắt, kẽm, vitamin D…) nên việc bổ sung đa vi chất có hiệu quả hơn việc bổ sung một vi chất đơn lẻ. Với trẻ nhóm tuổi này có thể cho trẻ sử dụng các siro vi chất, hoặc các gói đa vi chất bằng cách hòa vào sữa mẹ hoặc trộn với thức ăn bổ sung cho trẻ. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi theo phác đồ 6 tháng 1 lần. Với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị/ lần và trẻ 12 – 36 tháng tuổi: 200.000 đơn vị/ lần trong 6 tháng. Bổ sung vi chất rất quan trọng vởi sẽ giúp cho trẻ tránh được nhiều loại bệnh và cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc của các cháu sau này.

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm – Viện Dinh dưỡng (Báo Khoa học đời sống)


Hỏi:

Em đang mang thai tuần thứ 5. Đi khám bác sĩ kê đơn mua thuốc, em thấy trong thành phần của thuốc đó có sắt và axit folic. Xin hỏi bác sĩ em có cần uống viên sắt nữa không?

                                                                                                                         (Trinhhonganh.1993@gmail.com)

Trả lời:

Khi mang thai, chị em nếu ăn uống đầy đủ, không bị nôn do nghén nặng thì không cần bổ sung thêm bất cứ loại thuốc bổ nào. Tuy nhiên, để phòng chống thiếu máu thiếu sắt và khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi, các chuyên gia khuyến cáo chị em mang thai nên uống bổ sung viên sắt và axit folic. Acid folic rất cần thiết cho hiện tượng phân chia tế bào của thai nhi, vì vậy, ngoài việc tham gia vào quá trình tạo tế bào hồng cầu, acid folic còn giúp ngăn ngừa tình trạng khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi. Nên dùng axit folic (vitamin B9) trước khi có thai 3 - 4 tháng và trong khi có thai, kéo dài cho đến hết quý 1 của thai kỳ (3 tháng đầu). Đối với viên sắt nên uống hằng ngày từ khi bắt đầu mang thai đến sau sinh 1 tháng. Còn tùy thuộc tình trạng thai phụ mà bác sĩ sẽ có chỉ định dùng bổ sung canxi khi cần (thường từ tuần thứ 20 của thai kỳ). Nếu thuốc bác sĩ kê đơn có chứa sắt và axit folic thì bạn chỉ cần uống một loại đó là đủ. Điều quan trọng là cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tránh stress, tiêm phòng đầy đủ. Bạn có thể bổ sung thêm các thực phẩm giàu axit folic: có nhiều trong gan, các bộ phận nội tạng, thịt gia cầm; trong các loại rau xanh có màu đậm như: rau dền, bông cải, rau bina... Các loại đậu và trái cây (đậu Hà Lan, đậu nành, cà rốt, cà chua, chuối, cam, chanh, bưởi...). Nhớ khám thai hằng tháng để theo dõi sự phát triển của thai, tuần thai thứ 8 khám siêu âm kiểm tra tim thai; tuần thứ 12-14 khám siêu âm phát hiện độ dày da gáy...

BS. Kim Oanh - Suckhoeodoisong.vn

Con em đến nay được 1 tháng 23 ngày tuổi, cháu bị vàng da, đưa đi khám ở bệnh viện, bác sĩ nói cháu bị thiếu máu. Sau khi uống thuốc giải độc gan và thuốc sắt, cháu bỏ bú và ăn sữa ngoài, ban ngày cháu chơi, tới tối thì quấy khóc. Xin hỏi bác sĩ con em uống thuốc vậy có sao không? Hiện em vẫn cho con em tắm nắng hàng ngày.

Nguyenthilieu1965@gmail.com

  1. Như chúng ta đã biết, trước khi bé ra đời, ở trong tử cung của mẹ, cơ thể thai nhi đã bắt đầu tích trữ sắt cho mình, để sau khi ra đời tạo thành huyết sắc tố. Qua nghiên cứu, thai nhi nhận được sắt từ cơ thể mẹ cho nhiều nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ. Lượng tích trữ sắt của bé sơ sinh đủ tháng bình thường là 250-300mg, lượng này đủ cho nhu cầu tạo huyết 3-4 tháng sau sinh. Nếu lượng sắt tích trữ không đủ (do sinh non, sinh đôi, do mẹ thiếu máu) đều dễ phát sinh thiếu máu do thiếu sắt. Hơn nữa sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất sắt duy nhất. Sữa mẹ tuy có ít sắt nhưng được cơ thể trẻ hấp thu hoàn toàn. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Đặc biệt, nếu trẻ không bú mẹ mà ăn sữa ngoài (ăn sữa bò) mà dị ứng với sữa bò có thể thiếu máu mạn tính. Vì vậy, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Trường hợp con bạn vàng da do thiếu máu, do đó phải điều trị nguyên nhân gây thiếu máu, khi không còn thiếu máu sẽ hết vàng da. Bạn cứ yên tâm dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều cần chú ý dù sữa mẹ hay sữa ngoài hàm lượng sắt trong đó đều thấp nên khi phát hiện bé bị thiếu máu phải điều trị tích cực.


Nếu ban ngày trẻ chơi và tối quấy khóc còn gọi khóc dạ đề, trường hợp này cũng thường gặp ở các trẻ bình thường, nếu cháu vẫn tăng cân thì không có gì đáng ngại và thường trên 3 tháng trẻ sẽ hết khóc. 

BS. Vũ Ngọc Anh - Suckhoeodoisong.vn


Thời gian dự trữ càng dài thì lượng vitamin C hao hụt càng lớn. Sau 1 ngày hao hụt 26%, sau 2 ngày 41%.

Cho rau, thực phẩm vào luộc từ lúc nước lạnh hao 42%, lúc nước đã sôi hao 15%.

Rau xào mất vitamin C nhiều hơn rau luộc, vì tiếp xúc cùng lúc với không khí và nhiệt độ cao hơn.

Nếu rửa rau cả lá to rồi mới xắt để luộc, nấu và ăn ngay khi chín, mất 25%, nếu thái nhỏ rồi mới nấu có thể mất 50% hoặc hơn.

                                                      Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Thời kỳ cơ bản để xây dựng khung xương là từ giai đoạn bắt đầu tuổi dậy thì đến cuối tuổi vị thành niên. Vào tuổi 20 thì tất cả xương đã hoàn thiện công việc xây dựng, từ đó cả cuộc đời còn lại chỉ dựa trên nguồn vốn xương này. Bộ xương của người từ lúc sơ sinh chỉ có xấp xỉ 25g canxi và ở người phụ nữ trưởng thành có 1000-1200g canxi. Tất cả sự khác nhau này chắc chắn là do cách ăn uống.

Lượng canxi giữ lại cho cơ thể thì luôn thấp hơn so với lượng tiêu hoá. Điều này là do hiệu quả hấp thu đạt tương đối thấp trong giai đoạn phát triển. Canxi bị mất hàng ngày qua da, móng, tóc, và mồ hôi cũng như qua nước tiểu và các bài tiết qua đường tiêu hoá không được tái hấp thu. Đối với người trưởng thành chỉ khoảng 4-8% canxi tiêu hoá được giữ lại, với trẻ nhỏ là : 40%, thanh niên 20 %. Trẻ đẻ non với màng ruột sơ sinh và nhu cầu chất khoáng hoá tương đối lớn nên sự hấp thu tới 60%.

Khẩu phần canxi thấp có thể không hạn chế sự phát triển chiều dài và bề rộng của xương. Nhưng một khẩu phần canxi không đầy đủ, vỏ xương sẽ mỏng và ít hơn, độ chất khoáng trong xương giảm đi, làm xương dễ gãy. Để xây dựng được khung xương tốt, cơ thể rất cần canxi. Khối lượng xương càng lớn khi thức ăn hàng ngày càng đầy đủ canxi.

Có nhiều yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến nhu cầu và hấp thu canxi. Các chất dinh dưỡng tương tác đó chính là natri (Na), protein, cafein và chất xơ. Chất xơ và cafein ảnh hưởng đến hấp thu canxi: Na và protein ảnh hưởng đến bài tiết canxi nước tiểu,  chúng có ý nghĩa rất lớn đối với canxi.

Ảnh hưởng của chất xơ với hấp thu canxi có thể thay đổi, phụ thuộc vào bản chất nguồn gốc chất xơ. Nhiều loại chất xơ không ảnh hưởng tới hấp thu canxi như các chất xơ mịn màng từ các loại rau xanh, đậu quả, quả có màu vàng, chuối.... Ngược lại chất xơ trong vỏ lúa mạch, vỏ ngũ cốc lại làm giảm hấp thu của canxi trong bữa ăn thử nghiệm, nhưng nhìn chung việc giảm hấp thu là tương đối thấp. Chất xơ kết hợp các thành phần khác của thức ăn như phytat, oxalat, hoặc cả 2 làm giảm hấp thu canxi trong bất kỳ thức ăn nào.

Có một số chất có thể làm tăng sự hấp thu canxi như đường lactose, acid amin Lysine, casein phosphopeptide từ sữa... .


                                                         Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015


Các nghiên cứu thực tiễn đã chứng minh rằng đối với sự phát triển của trẻ, kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của hệ xương. Do vậy, trẻ cần được bổ sung kẽm một cách đầy đủ và hợp lý để có thể phát triển chiều cao tối ưu.

Đối với trẻ ăn kém, chậm phát triển tâm thần, thể lực, dễ bị nhiễm khuẩn hoặc bị suy dinh dưỡng có thể dùng liều kẽm bổ sung hàng ngày là 1mg/kg kéo dài 1- 3 tháng, hoặc những đợt trẻ bị tiêu chảy có thể dùng trong 2 tuần. Khi bổ sung kẽm không nên cho đơn thuần mà cần cho kết hợp với các chất dinh dưỡng khác nhằm phát huy tốt nhất tác động của kẽm và đáp ứng tình trạng thiếu đa chất kết hợp. Các chất nên kết hợp bổ sung với kẽm là: Ca, Mg, vitamin A, D, C, vitamin nhóm B, đạm.

Nếu chăm sóc và dinh dưỡng không tốt, cha mẹ chỉ quan tâm tìm mua kẽm cho con uống thì cũng không cải thiện được chiều cao. Nếu quá lạm dụng dùng liều cao và kéo dài, sẽ gây thừa kẽm và có thể ngộ độc, giảm khả năng miễn dịch.


Nguồn: Trích từ cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Các bậc cha mẹ ai cũng mong muốn con mình khỏe, phát triển chiều cao tốt. Có rất nhiều bà mẹ lạm dụng các loại thuốc có tác động đến việc phát triển xương như vitaminD và canxi cho con với mong muốn con mình sẽ cao hơn, khỏe đẹp hơn, mà không biết rằng, nếu dùng quá nhiều thì lợi sẽ bất cập hại. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên cũng cần có đủ canxi trong khẩu phần hàng ngày để góp phần chống loãng xương. Việc bổ sung vitaminD, canxi dưới dạng thuốc nếu có sự hướng dẫn của thầy thuốc sẽ tốt cho cơ thể, nhưng nếu uống quá nhiều canxi có thể gây các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, khát nước, tiu nhiều, mệt mỏi, đau cơ, đau xương. Nếu quá thừa, lượng canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, photpho, tăng canxi trong máu…. Thừa vitamin D thì hiếm gặp, ngoại trừ sử dụng những liều rất lớn (gấp hàng nghìn lần liều phòng) và sử dụng liên tục thì mới có thể gây ra ngộ độc do thừa. Nếu sử dụng nhiều vitamin D quá thì sẽ gây ra trường hợp canxi máu cao mà hậu quả là với trẻ em là gây ra ói mửa, kém ăn, ngừng lớn, đôi khi gây co giật khó thở…. Trong nước tiểu có nhiều canxi, photpho và các hình trụ.

Với người lớn, liều cao có thể gây chán ăn, nôn, người khó chịu, tiêu chảy, thay đổi nhịp tim do quá thừa canxi trong máu, rối loạn tâm thần, thậm chí có thể tử vong. Tốt nhất để đảm bảo đủ canxi là nên ăn uống đủ dinh dưỡng đa dạng các thực phẩm, chú ý dùng nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, tép, ốc, cua, trứng… để cơ thể hấp thụ canxi một cách tự nhiên. Không nên lạm dụng thuốc có chứa canxi với mục đích giúp cho bé phát triển chiều cao, giúp người lớn chống loãng xương ngoài chỉ định của bác sĩ.

                                                         Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm

Vitamin E có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể: tham gia chuyển hóa của các tế bào; bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị ôxy hóa; tạo hồng cầu; phòng ngừa sự hư hao của tế bào và giúp cơ thể sử dụng vitamin K; ngăn ngừa bệnh vữa xơ động mạch do làm giảm sự ôxy hóa các protein tan trong mỡ, từ đó ngăn các protein này tham gia quá trình làm tắc nghẽn động mạch; vitamin E ngăn ngừa các bệnh tim mạch, kể cả nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, do làm giảm bớt sự kết tụ của cholesterol xấu (LDL) ở trongng mạch; vitamin E có thể làm tăng tính miễn dịch bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó tăng sức đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn mạnh hơn; làm chậm tiến triển bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer); vitamin E làm giảm nguy cơ bệnh đục nhân mắt nhờ khả năng chống ôxy hóa.


Nguồn: Trích từ cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Vitamin E (tocopherol) là loại vitamin tan trong dầu, có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các phản ứng ôxy hóa có hại do các gốc tự do ở tế bào gây ra và quá trình lão hóa. Cơ thể chúng ta hấp thu được cả tocopherol thiên nhiên và nhân tạo, nhưng tocopherol tự nhiên trong thực phẩm có nhiều tác dụng tốt hơn. Vitamin E chịu được nhiệt độ khá cao và môi trường acid nhưng dễ bị phân hủy bởi tia tử ngoại và ôxy. Khi đun nấu ở nhiệt độ bình thường không làm mất vitamin E, nhưng khi chiên rán thực phẩm chìm trong dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp hay sấy khô thì mất khá nhiều vitamin E.

Vitamin E có rất nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc thiên nhiên như: đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương, dầu ô-liu, măng tây, các loại rau có lá màu xanh đậm…. Vitamin E được hấp thu ở ruột non cùng với các vitamin tan trong mỡ khác như A, D, K nhờ sự hỗ trợ của mật và chất béo. Thiếu vitamin E rất ít khi xảy ra, chỉ gặp trong các trường hợp bệnh nhân kém hấp thu chất béo ở ruột như bệnh Crohn, sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng, trong vài bệnh di truyền đặc biệt. Thiếu vitamin E trong thời gian dài dẫn đến đi đứng không vững; không có phối hợp giữa các cơ bắp, yếu cơ bắp, giảm phản xạ; có thể đưa tới mù lòa, sa sút trí tuệ, loạn nhịp tim. Khi điều trị thiếu vitamin E cần theo chỉ định của bác sĩ. Vitamin E có độc tính tương đối thấp nhưng tự bổ sung quá nhiều vitamin E sẽ làm cơ thể bị mệt mỏi, nhức đầu, yếu cơ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn thị giác (nhìn một vật thành hai), khi ngừng uống các triệu chứng đó sẽ hết.


Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Nhiều bà mẹ thường cho rằng bệnh còi xương chỉ gặp với những trẻ gày còm, ốm yếu hay suy dinh dưỡng. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ bụ bẫm, ăn uống đầy đủ và tăng trưởng tốt nhưng vẫn có dấu hiệu của bệnh còi xương như: chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm, khóc đêm, đầu bẹt, cơ nhẽo…. Thực tế bệnh còi xương có thể gặp ở cả những trẻ bụ bẫm do nhu cầu về canxi và photpho của trẻ cao hơn trẻ bình thường mà lượng cung cấp lại không đủ.

Những trẻ ăn quá nhiều đạm, uống nhiều nước ngọt có ga cũng làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Bên cạnh đó, những trẻ được bú mẹ đầy đủ cũng dễ mắc còi xương do hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp, bản thân mẹ cũng bị thiếu vitamin D do kiêng khem không ra nắng, kiêng ăn tôm, cua cá…. Do trẻ bụ bẫm phát triển quá nhanh, nếu không được cung cấp đủ vitamin, canxi thì nguy cơ bị còi xương còn cao hơn cả những trẻ phát triển bình thường


Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Vi chất dinh dưỡng là những chất cơ thể cần một lượng rất nhỏ (đơn vị tính là mcg đến mg) nhưng vai trò lại rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể. Khi nói đến vi chất dinh dưỡng, tức là bao gồm các vitamin (A,B, C, D,E......) và các vi khoáng (sắt, kẽm, đồng, selen, mangan...). Bộ 3 vi chất dinh dưỡng được quan tâm do có tác động nhiều đến sức khỏe cộng đồng là vitaminA, sắt, iốt. Thiếu vitaminA làm trẻ chậm phát triển, dẫn đến khô mắt và mù loài. Thiếu sắt gây thiếu máu. Thiếu iốt gây bướu cổ và đần độn. Hiện nay thiếu vitamin D gây còi xương; thiếu kẽm gây giảm sức đề kháng và kém phát triển chiều cao hậu quả sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của con người cũng đang được quan tâm.

Vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, vì vậy, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em.


Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Chống oxy hóa: Vitamin C là một trong nhiều chất tham gia hệ thống phòng thủ chống oxy hóa của cơ thể. Các vitamin E, beta-caroten, Vitamin C có thể chuyển các tác nhân gây oxy hóa thành những chất vô hại và thải ra nước tiểu. Vitamin C kết hợp với nhiều dạng gốc tự do và “quét dọn” chúng ra khỏi cơ thể, giúp phục hồi Vitamin E trở lại dạng có khả năng chống oxy hóa.

Tạo collagnen: Collagen là thành phần protein chính của mô liên kết, xương, răng, sụn, da và mô sẹo. Collagen chiếm đến ¼ protein trong cơ thể. Vitamin C cần cho quá trình tạo collagen từ trocollagen. Nếu thiếu Vitamin C sẽ giảm khả năng tổng hợp collagen. Lúc đó, sẹo sẽ khó lành, vỡ mao mạch, khiếm khuyết trong quá trình hình thành xương và răng.

Phòng chống bệnh tim mạch: Vitamin C còn giúp thành mạch máu vững chắc, đặc biệt quan trong đối với mạch máu nuôi tim. Giúp chuyển cholesterol thành acid mật, bằng cách giảm tình trạng cholesterol trong máu. Chúng có thể làm giảm mức LDL (cholesterol có hại) và làm tăng HDL (loại có lợi), giúp hạn chế tăng huyết áp, chống tạo cục máu đông để thuyên giảm tắc mạch.

Tăng cường hệ miễn dịch: VitaminC hỗ trợ sản xuất interferon là loại protein do tế bào cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng của hệ miễn dịch. Cần thiết cho các tế bào miễn dịch T và bạch cầu. Từ đó làm mạnh chức năng của hệ miễn dịch, làm tăng phản ứng dị ứng.

Tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh: Vitamin C có hàm lượng cao trong mô não và tuyến thượng thận. Tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh như: Norepinephrine, Serotonin, acid amin Tyrosine.

Thải độc: Cần thiết cho hệ thống chuyển hóa thải độc của nhiều loại thuốc trong cơ thể, làm giảm độc tính của thuốc và chuyển các phần từ độc thành dạng có thể đào thải qua nước tiểu. Thải độc nhiều hóa chất gây ung thư. Có khả năng kết hợp với các kim loại nặng và làm chúng trở nên vô hại.

Phối hợp tốt trong sử dụng sắt, canxi và acid folic: Vitamin C giúp hấp thu tốt chất sắt để tạo máu, hỗ trợ chuyển sắt từ huyết thanh vào ferritin để dự trữ ở gan và phóng thích sắt từ ferritin vào huyết thanh khi có nhu cầu. Giúp hấp thu tốt canxi bằng cách ngăn caxi chuyển thành dạng khó hòa tan. Chuyển acid folic từ dạng không hoạt động thành dạng hoạt động và giữ ổn định ở dạng hoạt động.

Thiếu vitamin C sẽ gây bệnh Scorbut với các biểu hiện: Chảy máu nướu khi đánh răng, chấm xuất huyết trên da, dễ bị vết bầm trên da, dễ bị bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là cúm và viêm hô hấp; xương yếu có thể cong vẹo, dễ trật khớp, đau khớp; người yếu ớt, thiếu năng lượng để hoạt động, tiêu hóa kém, lâu lành vết thương, vết mổ, răng xiêu vẹo, dễ gãy, rụng, phù.

                                          Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Hơn 90% lượng vitamin C trong khẩu phần được cung cấp từ trái cây và rau củ.

Các loại rau giàu vitamin C (trong 100 g) gồm: Rau ngót (185mg), Rau ngò gai (177mg), Rau ngò (140mg), Rau dền (89mg), Rau đay (77mg), Rau mồng tơi(72mg), Súp lơ (70mg), Lá mơ lông (75mg), Lá sắn tươi (295mg), Rau kinh giới (110mg), Cải bắp đỏ(60mg), Cần tây (150mg), Hành hoa (60mg), Ớt đỏ to (190mg).

Các loại quả giàu vitamin C (trong 100 g) gồm: Ổi (62mg), Bưởi (95mg), Dâu tây (60mg), Đu đủ chín (54mg), Quít (55mg), Cam(40mg), Chanh (77mg), Muỗm (quéo) (60mg), Nhãn quả (58mg), Nho ta (45mg).

Cách cung cấp vitamin C tốt nhất cho cơ thể nói chung và trẻ em nói riêng là thông qua ăn uống, vì nó có rất nhiều trong rau xanh, củ quả tươi. Trong những trường hợp cần dùng vitaminC dưới dạng thuốc phải có chỉ định của thầy thuốc vì nếu sử dụng vitamin C liều cao kéo dài gây thừa vitamin C, dễ tạo sỏi tiết niệu oxalat (do dehydroascorbic chuyển thành acid oxalic), hoặc sỏi thận urat, có khi cả hai loại sỏi trên; rối loạn tiêu hóa; giảm độ bền hồng cầu.


Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Sử dụng vitamin liều cao phải có chỉ định của bác sĩ. Khi mệt mỏi, làm việc căng thẳng, việc uống viên bổ sủi bọt chỉ có tác dụng hỗ trợ tâm lý (làm người ta yên tâm) chứ không hẳn là cần thiết.

Hầu hết vitamin tan trong nước (B1, B2 , B6, B12, ....) đều không gây ngộ độc, song cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng nhiều cũng không tốt.

Những vitamin tan trong dầu mỡ như A, D, E, K thì có thể gây ngộ độc vì khi sử dụng dồn dập chúng sẽ thải không kịp, tích lũy ở gan gây độc hại.

Vitamin C uống nhiều có thể gây sỏi thận vì nó tạo ra chất muối khoáng không hòa tan.

                                            Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Muốn phòng được còi xương phải phòng bệnh ngay từ thời kỳ bào thai, người mẹ phải được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý tăng cường những thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, trứng… trong suốt thời kỳ mang thai. Mẹ có thể uống vitamin D3 liều cao theo hướng dẫn của bác sĩ khi thai được 7 tháng tuổi.

Cho trẻ bú ngay trong vòng nửa giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18 hoặc 24 tháng. Vì trong sữa mẹ tỷ lệ Ca/P rất thích hợp cho việc hấp thu canxi của trẻ.

Khi tròn 6 tháng, cho trẻ ăn bổ sung với những thức ăn giàu Vitamin D và canxi (lòng đỏ trứng, sữa, gan, dầu gan cá; thức ăn giàu canxi như: tôm, cua, cá, sữa, vừng, lạc…), cho thêm 1 – 2 thìa cà phê dầu hoặc mỡ vào bát bột, cháo cho trẻ, hay xào nấu với thức ăn để trẻ ăn với cơm. Cho trẻ ăn thêm các loại rau, củ và quả chín.

Cho trẻ tắm nắng ngay trong tháng đầu sau đẻ vào buổi sáng từ 15-20 phút (khi có ánh nắng yếu, thường là lúc 8 – 9h sáng), cần để hở chân, tay, mông cho da của trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh nắng mặt trời. Nếu  trẻ sinh vào mùa đông cần được uống cần được uống vitamin D liều dự phòng 400UI/ ngày ngay từ sau khi sinh. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bị còi xương cần đưa đến khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.


                                        Nguồn: Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm - 2015

Bắt đầu từ lúc mang thai, trong giai đoạn 3 tháng đầu, các bà bầu đã phải bổ sung ngay canxi để cung cấp cho thai nhi phát triển. Nếu mẹ bầu không được bổ sung canxi thì thai nhi sẽ lấy canxi trực tiếp từ xương của người mẹ. Đây là nguyên nhân vì sao sau thời gian mang thai, nhiều mẹ cảm thấy sức khỏe suy yếu, xương và răng không còn chắc khỏe như trước.

Quá trình bổ sung canxi cho bà bầu phải trực tiếp từ tháng bắt đầu có thai cho đến khi sinh nở và kéo dài 6 tháng sau khi sinh nếu có điều kiện.

Một số lưu ý khi uống canxi:

Thời điểm uống canxi nên cách xa lúc uống sắt.

Uống canxi sau bữa sáng hoặc bữa trưa khoảng 1h đồng hồ.

Bổ sung canxi vào buổi sáng là tốt nhất. Tuyệt đối không nên uống vào buổi tối, nhất là trước khi ngủ, dễ hình thành sỏi thận. Nên uống nhiều nước để hạn chế sự hình thành sỏi trong thận.

Nguồn: Trích từ Cuốn Sổ tay dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em - Những câu hỏi thường gặp

Trong thời kỳ mang thai chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của người mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển trí thông minh của thai nhi, chăm sóc bà mẹ từ khi mang thai sẽ mang lại các lợi ích sau đây:

Giúp bà mẹ có sức khỏe tốt và thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Giúp bà mẹ có sức khỏe tốt khi sinh đẻ

Giúp bà mẹ cso sức khỏe tốt để nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

Đặc biệt:

3 tháng đầu, thai nhi hình thành và phát triển các cơ quan tổ chức của cơ thể nên việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng là rất quan trọng.

3 tháng giữa, thai nhi phát triển về chiều dài nếu bà mẹ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn này nhiều khả năng dẫn đến con bị thấp còi ngay từ thời kỳ bào thai.

3 tháng tuổi, thai nhi phát triển nhiều về cân nặng, mẹ tăng cân kém giai đoạn này thường dẫn đến con có cân nặng sơ sinh thấp.

Vì vậy để bé yếu sinh ra có sức khỏe tốt, cao lớn và đặc biệt là có trí thông minh phát triển, mẹ bầu cần ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý trong suốt thời gian mang thai.

Nguồn: Trích từ cuốn Sổ tay Dinh dưỡng bà mẹ và Trẻ em – Những câu hỏi thường gặp

Con em đến nay được 1 tháng 23 ngày tuổi, cháu bị vàng da, đưa đi khám ở bệnh viện, bác sĩ nói cháu bị thiếu máu. Sau khi uống thuốc giải độc gan và thuốc sắt, cháu bỏ bú và ăn sữa ngoài, ban ngày cháu chơi, tới tối thì quấy khóc. Xin hỏi bác sĩ con em uống thuốc vậy có sao không? Hiện em vẫn cho con em tắm nắng hàng ngày.

Nguyenthilieu1965@gmail.com

Như chúng ta đã biết, trước khi bé ra đời, ở trong tử cung của mẹ, cơ thể thai nhi đã bắt đầu tích trữ sắt cho mình, để sau khi ra đời tạo thành huyết sắc tố. Qua nghiên cứu, thai nhi nhận được sắt từ cơ thể mẹ cho nhiều nhất là 3 tháng cuối của thai kỳ. Lượng tích trữ sắt của bé sơ sinh đủ tháng bình thường là 250-300mg, lượng này đủ cho nhu cầu tạo huyết 3-4 tháng sau sinh. Nếu lượng sắt tích trữ không đủ (do sinh non, sinh đôi, do mẹ thiếu máu) đều dễ phát sinh thiếu máu do thiếu sắt. Hơn nữa sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất sắt duy nhất. Sữa mẹ tuy có ít sắt nhưng được cơ thể trẻ hấp thu hoàn toàn. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Đặc biệt, nếu trẻ không bú mẹ mà ăn sữa ngoài (ăn sữa bò) mà dị ứng với sữa bò có thể thiếu máu mạn tính. Vì vậy, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Trường hợp con bạn vàng da do thiếu máu, do đó phải điều trị nguyên nhân gây thiếu máu, khi không còn thiếu máu sẽ hết vàng da. Bạn cứ yên tâm dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều cần chú ý dù sữa mẹ hay sữa ngoài hàm lượng sắt trong đó đều thấp nên khi phát hiện bé bị thiếu máu phải điều trị tích cực.

Nếu ban ngày trẻ chơi và tối quấy khóc còn gọi khóc dạ đề, trường hợp này cũng thường gặp ở các trẻ bình thường, nếu cháu vẫn tăng cân thì không có gì đáng ngại và thường trên 3 tháng trẻ sẽ hết khóc.  

BS. Vũ Ngọc Anh - Suckhoedoisong.vn

Năm ngoái tôi ốm, da xanh xao, thiếu máu, được bác sĩ kê đơn mua một số thuốc, trong đó có tot’ hema, điều trị đã khỏi bệnh. Nay em họ tôi ở quê cũng bị thiếu máu, tôi mua về cho em một số thuốc loại này. Nhưng  gần đây, em tôi cho biết, thầy thuốc không cho dùng loại thuốc ấy. Xin hỏi quý báo, vì sao cũng bệnh thiếu máu mà người thì dùng được, người lại không?

Đỗ Văn Thanh (TP.Vinh - Nghệ An)

Thuốc bạn hỏi có chứa chất sắt. Sắt là thành phần quan trọng để sản sinh hồng huyết cầu và thiếu sắt thường dẫn đến thiếu máu. Thông thường, chất sắt được các bữa ăn hàng ngày cung cấp đủ cho nhu cầu cơ thể. Nhưng với người suy dinh dưỡng, bị mất máu nhiều… có thể bị thiếu chất sắt. Do thiếu sắt, cơ thể không đủ nguyên liệu để tạo ra huyết sắc tố (hemoglobin) của hồng huyết cầu dẫn đến thiếu máu. Có nhiều nguyên nhân thiếu máu, nhưng chỉ nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt mới nên dùng các thuốc có chất sắt nói chung, tot’ hema nói riêng. Những người bị thiếu máu thiếu sắt ngoài tên thuốc bạn hỏi (thuốc bào chế dưới dạng dung dịch phối hợp với một số chất khác) còn có thể dùng các loại viên thuốc chứa chất sắt đơn thuần như: viên sắt gluconat, sắt succinat, sắt fumarat, sắt oxalat…

​Thiếu máu do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, có một số bệnh thiếu máu không do nguyên nhân thiếu sắt mà do các nguyên nhân phức tạp khác (thiếu máu huyết tán, thiếu máu do nhiễm độc chì, thiếu máu do bệnh Thalassémie do suy tủy…) thì không được dùng tot’ hema nói riêng, các thuốc bổ máu có chất sắt nói chung bởi nếu dùng các loại thuốc này, lượng sắt trong máu tăng lên có thể gây nhiều biến chứng khác như xơ gan, đái tháo đường, lắng đọng sắt ở phổi, thận… Bạn không nói rõ người thân của bạn bị thiếu máu do nguyên nhân gì. Rất có thể người đó bị thiếu máu do các nguyên nhân bệnh nói trên nên thầy thuốc điều trị không cho dùng thuốc có chứa chất sắt.

Một lưu ý quan trọng với bạn là: chỉ có bác sĩ trực tiếp khám bệnh mới có quyền chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân. Bạn không nên dùng thuốc theo đơn của người bệnh khác, không nên dùng thuốc theo sự mách bảo của bạn bè vì không những không khỏi bệnh mà còn có thể bị các biến chứng nguy hiểm, làm mất cơ hội chữa bệnh do thời gian uống sai thuốc…

BS. Vũ  Hướng Văn- Suckhoedoisong.vn

Con gái tôi mới dậy thì, kinh nguyệt của cháu không đều và nhiều. 3 tháng trở lại đây tôi thấy da cháu xanh hơn, không biết cháu có bị thiếu máu và phải bổ sung những gì cho cháu. Mong bác sĩ tư vấn.

Trần Thu Oanh (Hải Dương)

Khoảng 20-25% bé gái bị thiếu máu nhược sắc, hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở bé gái vào khoảng 2,4ml/ngày (gấp đôi bé trai). Tuy nhiên, do chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất, cộng với sự mất máu khi có kinh nguyệt, khiến bé gái bị mất chất sắt. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Những bé gái có vấn đề bất thường về kinh nguyệt như đã nêu ở trên thì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt càng nặng hơn nữa. Chứng thiếu máu nhược sắc còn do các bệnh đường ruột, do bị nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc (80-100% lứa tuổi học sinh bị nhiễm giun). Để phòng tránh chứng thiếu máu nhược sắc, các bé gái cần tẩy giun theo định kỳ; điều trị tốt chứng thống kinh, rong kinh-rong huyết (nếu có). Đặc biệt, các bé gái cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng như ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C (vì vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn) trong bữa ăn, nhất là ở giai đoạn có kinh nguyệt. Nên bổ sung thuốc chứa chất sắt phối hợp với acid folic (rất cần cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này).

BS. Phương Thu - Suckhoedoisong.vn

Theo dân gian, trẻ bị ho cần phải kiêng khá nhiều thứ như cua, tôm, thịt gà, rau cải..., chưa có chứng cứ khoa học cho thấy những thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn và nếu kiêng như vậy khiến trẻ bị thiếu dinh dưỡng. Trẻ bị ho thường biếng ăn và cần có cách chăm sóc đặc biệt để bình phục nhanh chóng. Ho là phản ứng bình thường khi bộ máy hô hấp bị kích thích, như khi thở hít phải hơi hóa chất, khói bụi... hoặc bị dị vật rơi vào đường thở như sặc nước, sặc thức ăn, vật lạ chui vào mũi... để tạo phản xạ đẩy vật lạ ra ngoài. Thậm chí thành ngực bị nước lạnh kích thích cũng có thể gây ho. Về bệnh lý, ho có thể do hen suyễn, do viêm nhiễm vi khuẩn, virus hoặc dị ứng thức ăn. Khi trẻ bị ho nhiều, có thể kèm theo sốt, hoặc sau cơn ho bị nôn ói, tiếng thở rít..., cần đưa trẻ tới bệnh viện khám để chẩn đoán nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng là biện pháp rất cần thiết để trẻ nhanh chóng phục hồi.

Khi trẻ bị ho, nếu không do dị ứng không cần phải kiêng ăn thứ gì. Chỉ riêng người bị ho do hen suyễn cần tránh những thức ăn mà người bệnh hay bị dị ứng gây ho nói riêng, lên cơn hen nói chung như trứng, tôm, cua, cá, sữa bò....

Khi trẻ bị ốm, ho, cơ thể mệt mỏi dễ dẫn đến chán ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa nếu trẻ ho nhiều, mệt. Cha mẹ cần chú ý, không nên nấu quá loãng thức ăn hơn thường lệ vì điều đó khiến trẻ đã ăn ít lại càng bị thiếu hụt về chất dinh dưỡng. Vẫn duy trì cho mỡ, dầu vào bột hay cháo của trẻ ngay cả khi trẻ bị sốt kèm theo tiêu chảy.

Trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa... Nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất  kẽm,  chất  sắt  và  caroten  như: các loại thịt bò, lợn, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ, da cam…. Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như chiên, xào... Đối với món cá, tôm, đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây nôn,  trong những trường hợp như vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh thì cho ăn trở lại. Những trường hợp vẫn ăn bình thường được thì không cần kiêng.

Không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạnh, uống nước, sữa lạnh hoặc quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt; cũng không nên cho trẻ ăn lạc, hạt dưa, chocolate bởi đây là những thực phẩm có thể làm tăng lượng đờm khi ăn.

Trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về ung trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ họng bé. Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn. Lúc Bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày (kể cả bữa bột và bữa sữa) nhưng lúc trẻ ho có thể tăng 8 – 10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, do đó có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn một lần. Tuyệt đối khi trẻ đang ho, khóc không được ép trẻ ăn, uống bởi việc làm này có thể dẫn đến việc trẻ hít vào phế quản thức ăn, nước uống, dẫn đến sặc, hóc dị vật và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trích từ Cuốn Hỏi đáp Dinh dưỡng và Vệ sinh thực phẩm 

Trẻ SDD hệ thống miễn dịch bị suy giảm, đáp ứng miễn dịch kém kể cả khi đã được tiêm chủng nên hay mắc bệnh nhiễm khuẩn.

Kháng thể IgA tiết tham gia vào miễn dịch tại chỗ niêm mạc bị giảm. Độ toan dạ dày giảm nên trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn hô hấp (viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi…) .

Các kháng thể dịch thể và tế bào: IgD, IgE, IgG, IgM, lượng tế bào lympho T và B lưu hành trong máu có chức năng nhận diện và tiêu diệt vi khuẩn đều giảm nên sức đề kháng, khả năng chống đỡ với vi khuẩn, vi rút của trẻ suy dinh dưỡng thấp nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp (viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi…), nhiễm khuẩn đường tiết niệt, đường tiêu hóa, ngoài da….

Trẻ suy dinh dưỡng còn bị thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, C làm giảm chức năng bảo vệ nên dễ bị tổn thương da và niêm mạc.

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thường ăn kém, hay bị nôn trớ nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu càng làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng thêm.


Trích từ cuốn Hỏi - Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

DHA là một acid béo không no chuỗi dài có 22 cacbon và chứa 6 nối đôi. Khi phân tích cấu trúc của não, các nhà khoa học thấy nó nằm trong thành phần cấu trúc màng tế bào thần kinh, họ gọi DHA là “gạch xây cho não người”.

DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) của não và trong võng mạc (tổng chỉ huy sự nhìn của mắt). DHA tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. DHA là acid béo quan trọng trong việc tăng cường hoạt động trí não. Từ các công trình nghiên cứu các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng thực phẩm giàu acid omega -3 và DHA.


ARA (Arachidonic axit) thuộc nhóm axit béo không no Omega 6, gồm có 20 cacbon và chứa 4 nối đôi. ARA là thành phần quan trọng của não bộ, ARA chiếm 48% axit béo omega 6 trong não. Do vậy, cũng như DHA, ARA quan trọng cho sự phát triển não bộ trẻ sơ sinh. Cùng với DHA, ARA còn góp phần tạo thành Eicosanoid - tiền chất của một nhóm các chất tương tự hormone, đóng vai trò trong miễn dịch, đông máu và trong một số chc năng khác của cơ thể.

Trích từ Cuốn Hỏi - Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm 

Thành phần chính của muối ăn là Natri, khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với Natri, ion Natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp.

Thận cũng là bộ phận sống còn giúp kiểm soát huyết áp bởi chúng giúp thải lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể và duy trì cân bằng nồng độ muối. Nếu ăn mặn, thận sẽ phải làm việc tăng hơn nên dễ bị các bệnh về thận. Ngoài ra ăn mặn còn liên quan đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen xuyễn.

Nhu cầu muối của cơ thể chỉ cần dưới 6 gam/ngày. Hiện nay người dân nước ta đang ăn rất mặn (thừa muối), lượng muối trung bình trong khẩu phần ăn của người dân là 15g/ngày. Cần hạn chế ăn mặn, giảm bớt lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế sử dụng những thức ăn có hàm lượng muối cao như: các loại đồ kho, đồ muối, đồ hộp, sốt mayonaise..., khi nấu nướng chế biến thức ăn cần tăng cường kỹ thuật phối chế, nấu các món ăn nhiều loại gia vị khác nhau như cay, ngọt, chua và như vậy người quen ăn mặn sẽ không có cảm giác nhạt, nên giảm bớt việc nêm mắm, bột canh và các loại gia vị có lượng muối cao. Với trẻ em tập cho ăn nhạt từ lúc còn nhỏ.

Trích từ cuốn Hỏi - Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Acid béo omega-3 là tiền chất của DHA (chữ viết tắt của Docosahexaenoic acid), và EPA (viết tắt của Eicosapentaenoic acid). Não người được cấu tạo bởi trên 60% là acid béo, trong số đó DHA chiếm một số lượng khá lớn (DHA chiếm khoảng 1/4 lượng chất béo của não). Do đó, não cần một lượng acid béo omega-3 (nhất là DHA) để phát triển và duy trì hoạt động. Trong cơ thể, EPA được xem là acid béo thiết yếu để chuyển hóa thành các chất sinh học quan trọng như prostaglandin, leucotrien (yếu tố làm cho chỗ viêm có triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau và lôi cuốn các tế bào bạch cầu đến dể “dọn sạch” tác nhân gây viêm).

Người ta còn thấy rằng DHA kìm hãm sự lão hóa não, ngăn ngừa sự suy giảm trí nhớ. Với trẻ em được bổ sung DHA đạt được các điểm nhận thức cao hơn, ít mắc phải các vấn đề về hành vi và cảm xúc, kỹ năng vận động cũng phát triển sớm hơn. Bởi vậy, hiện nay có nhiều loại sữa bột có bổ sung DHA. DHA làm giảm lượng triglycerid máu, giảm loạn nhịp tim, giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành, giảm chứng nhồi máu cơ tim.

Nhóm acid béo Omega-3 có vai trò quan trọng trong cấu trúc da và đặc biệt là tầng sừng, vì chúng ngăn ngừa hiện tượng mất nước giữa các lớp da, do đó giúp da mềm mại tươi trẻ.

Ngoài ra, nhóm acid béo Omega-3 còn cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, giảm nguy cơ đái tháo đường, giảm mức độ nặng và số cơn hen phế quản, giảm triu chứng viêm khớp dạng thấp, chống trầm cảm.


Trích từ Cuốn Hỏi - Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Uốn n đặc biệt là uốn n rốn sơ sinh là một bệnh nguy hiểm do thần kinh trung ương bnhiễm độc bởi độc tcủa trực khuẩn uốn ván (Clostridium Tetani). Vi khuẩn Uốn n m nhập qua đường rốn trsơ sinh do quá trình cắt rốn không đảm bảo vsinh. Trbị uốn n rốn dtvong do co giật, co cứng toàn thân, dngừng thở, ngừng tim.

Đphòng uốn n rốn cho cmvà trsơ sinh cần tiêm phòng uốn n cho mkhi có thai là một biện pháp an toàn và có hiệu quả. Trong thời kcó thai n tiêm 2 lần, khoảng cách giữa 2 lần tiêm ít nhất1 tháng. Đối với bà mcó thai lần đầu chưa tiêm phòng uốn n thì tốt nhất n tiêm i thnhất khi có thai 5 tháng, mũi thứ 2 n tiêm cách i thnhất 1 tháng. i thứ 2 cần tiêm chậm nhất là trước khi sinh 1 tháng. Khi có thai lần sau chcần tiêm nhắc lại 1i ở thời kỳ 3 tháng giữa và muộn nhất cũng phải trước khi sinh 1 tháng.

Trích từ Cuốn Hỏi - Đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm

Sau khi sinh vài giờ tốt nhất chưa nên ăn trứng, chỉ nên ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu: cháo thịt nạc, súp thịt-rau…. Sau đó, với trứng gà tươi, phụ nữ sau sinh nên ăn mỗi ngày 1 quả, ngoài ra cần ăn thêm nhiều loại thức ăn khác để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Bà mẹ đang cho con bú khi cần dùng thuốc cần xem xét đến những loại thuốc bà mẹ sử dụng có bài tiết qua sữa không; nếu có thì có ảnh hưởng tới con hay không?

Hầu hết các loại thuốc đều đi vào sữa mẹ nhưng với một số lượng rất nhỏ, một số loại thuốc có ảnh hưởng đến trẻ, một số thuốc có gây tác dụng phụ. Vì vậy dùng thuốc khi cho con bú cần có chỉ định của thầy thuốc.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trong quá trình mang thai biểu hiện qua mức tăng cân. Mức tăng cân của mẹ có liên quan chặt chẽ tới cân nặng của trẻ khi sinh. Mẹ tăng cân ít có nguy cơ đẻ con có cân nặng dưới 2500g (suy dinh dưỡng bào thai). Nhưng nếu tăng cân quá nhiều cũng không tốt cho cả mẹ và thai nhi.

Mức tăng cân phụ thuộc vào chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi của bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng của mẹ trước khi có thai.

Phụ nữ Việt Nam cần đạt mức tăng cân trong thời kỳ 9 tháng mang thai khoảng từ 10-12 kg, trong đó: 3 tháng đầu tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 4-5 kg và 3 tháng cuối tăng 5-6 kg. Nếu 3 tháng cuối tăng dưới 4 kg thì người mẹ cần tăng cường ăn uống bồi dưỡng nghỉ ngơi. Ngược lại, nếu tăng cân quá mức, tăng từ 18-20 kg trong 9 tháng mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối, nếu mỗi tháng tăng trên 2 kg thì không tốt. Hậu quả của tăng cân quá nhiều khi mang thai là: thai to quá khó sinh, con bị béo phì và nguy cơ mắc đái tháo đường bẩm sinh, mẹ dễ bị trĩ, rạn bụng, són đái, đau lưng, đau chân, phù chân, có nguy cơ cao bị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, nguy cơ tiền sản giật. Chính vì thế, khi mang thai, các bà mẹ cần có một chế độ ăn uống phù hợp, đủ dinh dưỡng để điều chỉnh mức tăng cân hợp lý.

Trích từ cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm

Các nghiên cứu thực tiễn đã chứng minh rằng đối với sự phát triển của trẻ, kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của hệ xương. Do vậy, trẻ cần được bổ sung kẽm một cách đầy đủ và hợp lý để có thể phát triển chiều cao tối ưu.

Đối với trẻ ăn kém, chậm phát triển tâm thần, thể lực, dễ bị nhiễm khuẩn hoặc bị suy dinh dưỡng có thể dùng liều kẽm bổ sung hàng ngày là 1mg/kg kéo dài 1 - 3 tháng, hoặc những đợt trẻ bị tiêu chảy có thể dùng trong 2 tuần. Khi bổ sung kẽm không nên cho đơn thuần mà cần cho kết hợp với các chất dinh dưỡng khác nhằm phát huy tốt nhất tác động của kẽm và đáp ứng tình trạng thiếu đa chất kết hợp. Các chất nên kết hợp bổ sung với kẽm là: Ca, Mg, vitamin A, D, C, vitamin nhóm B, đạm.

Nếu chăm sóc và dinh dưỡng không tốt, cha mẹ chỉ quan tâm tìm mua kẽm cho con uống thì cũng không cải thiện được chiều cao. Nếu quá lạm dụng dùng liều cao và kéo dài, sẽ gây thừa kẽm và có thể ngộ độc, giảm khả năng miễn dịch.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Trong thời kỳ mang thai, từ khoảng tháng thứ 5, não và cơ quan thị giác của thai nhi đã phát triển, vì vậy cần cung cấp DHA và ARA cho trẻ ngay trong thời kỳ mang thai nghĩa là thai phụ cần nhiều thức ăn hoặc uống sữa có chứa DHA và RAA cao. Khi trẻ ra đời, yêu cầu về DHA và ARA của trẻ rất cao, đặc biệt là lúc 2-3 tuổi, đó là thời kỳ hệ thần kinh trung ương phát triển nhất thì nhu cầu cung cấp DHA và ARA lại càng quan trọng. Sữa mẹ là thức ăn có hàm lượng DHA và ARA tốt cho trẻ trong 6 tháng đầu, sau 6 tháng trong bữa ăn bổ sung của trẻ cần có đủ thực phẩm giàu DHA và ARA như: cá thu, cá mòi, cá chình, cá hồi dầu bắp (ngô), dầu hạt bông vải , dầu hạt nho, dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương, trong trứng gà, trong mỡ. Uống sữa bổ sung 2 thành phần này.

Với trẻ sinh non, nhu cầu về 2 chất này cao hơn để giúp cho não và thị giác phát triển tốt và đuổi kịp trẻ bình thường. Với trẻ sơ sinh đủ tháng, nhu cầu về DHA là 20mg/kg/ngày và ARA là 40 mg/kg/ngày. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi nhu cầu về DHA tối thiều là 17mg/ kg/ngày và ARA là 4mg/kg/ngày.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm

Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cơ. Các dấu hiệu sớm của bệnh còi xương là những biểu hiện ở hệ thần kinh: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu. Khi bệnh còi xương phát sinh vào lúc trẻ dưới 6 tháng tuổi, những biến đổi đầu tiên của bộ xương là các bờ của thóp lâu liền, xương sọ mềm, đầu dễ méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc một bên, chậm mọc răng. Các cơ nhão làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi... Nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lồng ngực biến dạng, gù vẹo cột sống, chân đi vòng kiềng và làm giảm chiều cao sau này. Ở trẻ em gái hẹp khung chậu do còi xương là một dị tật gây nguy hiểm khi sinh đẻ ở tuổi trưởng thành. Đặc biệt viêm phổi mạn tính là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh còi xương. Còi xương càng nặng, viêm phổi càng hay tái phát. Khi trẻ bị còi xương kết hợp có viêm phổi cần đưa bé đi khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi, Dinh dưỡng để được tư vấn điều trị càng sớm càng tốt.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm

Chậm mọc răng chỉ là một trong các biểu hiện của bệnh còi xương. Khi trẻ chậm mọc răng kết hợp với các triệu chứng khác đặc trưng (thóp rộng, rụng tóc sau gáy, ngủ không yên giấc, …) mới chẩn đoán là còi xương. Nếu chỉ chậm mọc răng thì có thể do tính chất gia đình hoặcj lợi của bé quá cứng răng không nhú lên được.

Chậm biết đi
 cũng chỉ là một trong những dấu hiệu bị còi xương.

Bình thường trẻ em từ 10 – 12 tháng tuổi đã bắt đầu tập đi, nếu bà mẹ băn khoăn về việc chậm biết đi của con mình thì nên theo dõi xem trẻ có bị bệnh gì không?.  Đôi khi cũng có những trẻ chậm biết đi so với những trẻ khác vài tháng nhưng cũng không mắc bệnh gì.

Tuy nhiên, ở một trẻ chậm mọc răng hoặc chậm biết đi có thể là bị còi xương khi có thêm các triệu chứng đặc thù khác như thóp rộng, đầu to có bướu, chuỗi hạt sườn, …), nhưng cũng chưa hẳn là đã bị còi xương thì phải xem xét là trẻ có mắc bệnh gì ảnh hưởng đến sự phát triển chung và hệ xương không để xử trí kịp thời.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Acid béo Omega - 3 có nhiều trong mỡ cá ở vùng biển lạnh và sâu như cá thu, cá mòi, cá chình, cá trích, cá Tuna, cá hồi (chất lỏng lấy từ mỡ loại này ở nước ta quen gọi là dầu gan cá thu hay dầu cá thiên nhiên). hoặc trong các nguồn thực phẩm khác như các loại rau xanh có màu đậm, bắp cải, dầu cải, dầu hướng dương, dầu hạt lanh, vừng, hạt bí ngô, quả óc chó. Ngoài ra Omega-3 còn được tìm thấy trong một số loại bơ thực vật, sữa, trứng, đậu phụ và sữa chua.

Mặc dù axit béo omega-3 có nhiều tác dụng tốt như vậy nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng mà cần sử dụng một cách hợp lý, cân đối với các thành phần khác nói chung và với các axit béo khác nói riêng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Trích từ cuốn Hỏi Đáp – Dinh dưỡng & vệ sinh thực phẩm

Còi xương là một bệnh loạn dưỡng xương do thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Bệnh do cơ thể thiếu hụt vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Còi xương hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì lứa tuổi này hệ xương đang phát triển nhanh. Hậu quả của bệnh còi xương thường ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ. Bệnh còi xương còn có thể gây biến dạng xương và tử vong do mắc thêm các bệnh nhiễm khuẩn nhất là viêm phổi.

Còi xương không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh- cơ.

Các dấu hiệu sớm của bệnh còi xương biểu hiện ở hệ thần kinh: trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu.

Nếu không được điều trị, dần dần xuất hiện các triệu chứng ở xương. Tuỳ theo từng lứa tuổi mà biến đổi ở xương khác nhau:

·              Ở trẻ nhỏ: xương sọ mềm, đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hay một bên do tư thế nằm, thóp rộng, chậm liền, răng mọc chậm, men răng xấu.

·              Ở trẻ lớn hơn: Đầu to có bướu, thường có biến đổi xương lồng ngực, có chuỗi hạt sườn. Các xương chi xuất hiện vòng cổ tay, cổ chân. Các cơ nhẽo làm trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng đi.

Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng ở hệ xương như: lồng ngực biến dạng, gù vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng (hình chữ O), chân chữ bát (hình chữ X), khung chậu hẹp.

Các biến dạng của xương là giảm chiều cao của trẻ, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ sau này đối với trẻ gái. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại.

Trích từ Cuốn Hỏi – Đáp Dinh dưỡng & Vệ sinh thực phẩm

Tôi 27 tuổi, mới sinh con được 3 tháng nhưng tự nhiên tôi cảm thấy miệng đắng, niêm mạc miệng sưng, đỏ, chán ăn. Tôi đi khám thì được bác sĩ cho biết bị thiếu kẽm và cần bổ sung. Tôi xin hỏi, cách sử dụng kẽm như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?

Bùi Thanh Hà (Quảng Ninh)

Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi lượng cần thiết, can thiệp vào nhiều chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic của cơ thể. Nguyên nhân thiếu kẽm có thể do bệnh tật, do di truyền, do khẩu phần ăn không đầy đủ chất này. Ở những người sử dụng thuốc sắt lâu dài cũng có thể bị thiếu kẽm do sắt cản trở sự hấp thu kẽm. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì hầu hết phụ nữ trong tuổi sinh đẻ bị thiếu kẽm. Khi bổ sung thuốc có chứa kẽm có thể chọn gluconat kẽm hay sulfat kẽm. Bạn đã được bác sĩ xác định mức độ thiếu kẽm cũng như loại thuốc và thời gian bổ sung thì nên tuân thủ nghiêm chỉ định này vì dùng nhiều kẽm có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Riêng vấn đề sử dụng thuốc để đạt hiệu quả cao nhất thì bạn cần chú ý, nên uống thuốc sau khi ăn 30 phút, bổ sung thêm vitamin A, B6, C và phospho vì các chất này làm tăng sự hấp thu kẽm. Trong thư bạn nói đang cho con bú nhưng không nói bạn còn tiếp tục bổ sung sắt hay không, do vậy, nếu bạn còn bổ sung sắt thì nên dùng hai loại thuốc này cách xa nhau, dùng kẽm trước vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm. Ngoài ra, bạn cũng cần chữa các bệnh gây thiếu kẽm (như rối loạn tiêu hóa) nếu bạn có bệnh trước khi bổ sung thì quá trình này mới đem lại kết quả như mong muốn.

BS. Nguyễn Hải Liên - Suckhoedoisong.vn