Thông cáo báo chí ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2015)
Quay lại Bản in Yahoo

Ngày 25/5/2015, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên báo chí và ra Thông cáo báo chí nhân ngày Vi chất dinh dưỡng 1-2/6/2015.

Dưới đây là toàn văn Thông cáo:


Hà Nội, ngày 25/5/2015: Vi chất dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, trí tuệ và tầm vóc người Việt Nam.

1. Thực trạng về 1 số bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở VN:

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu iốt vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

1.1. Thiếu vitamin A: năm 1985, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị khô mắt có tổn thương giác mạc hoạt tính là 0,07%, tức là cao hơn gấp 7 lần ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) về ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Năm 1988, hoạt động bổ sung vitamin A liều cao đã được triển khai thí điểm và từ năm 1993, mở rộng ra tất cả các trẻ 6-36 tháng trong toàn quốc. Năm 1994, tỷ lệ khô mắt đã hạ thấp dưới ngưỡng quy định của TCYTTG; Việt nam đã được TCYTTG công nhận là đã thanh toán thiếu vitam A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 14,2%, có sự chênh lệch giữa các vùng, một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới trên 20%, xếp ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 35%, chứng tỏ bữa ăn của cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu vitamin A, tỷ lệ thiếu vitamin A giảm hiện nay phụ thuộc vào biện pháp uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao cho trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ <5 tuổi).

1.2. Thiếu máu: Điều tra toàn quốc gần đây nhất cho thấy 36,5% phụ nữ có thai, 28,8% phụ nữ không có thai, 29,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (xấp xỉ 45%), sau đó giảm dần. Khu vực núi Tây Bắc có tỷ lệ thiếu máu cao nhất (43%), tỷ lệ thiếu máu ở mức trên 30% bao gồm vùng núi Đông Bắc (34%); Nam miền Trung (33%); đồng bằng Sông Mê Kông (30,3%); ĐB sông Hồng và vùng thành phố có tỷ lệ thiếu máu thấp hơn các vùng khác, tuy nhiên vẫn ở mức >20%. Theo dõi diễn biến thiếu máu theo thời gian cho thấy tỷ lệ có xu hướng giảm, tuy nhiên giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ (>20%).

 1.3. Thiếu kẽm: Thiếu kẽm ở Việt Nam cũng là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Kết quả Điều tra về tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh ở Việt Nam năm 2009 cho thấy tỷ lệ phụ nữ có thai bị thiếu kẽm là 90%, ở trẻ em dưới 5 tuổi là 81,2% và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 65%.

1.4. Thiếu Iốt: Năm 1992, 84% dân số Việt Nam bị thiếu iốt. Điều tra toàn quốc (1998)  cho thấy, tỷ lệ bướu cổ đã giảm có ý nghĩa, tỷ lệ có hàm lượng iốt niệu thấp giảm từ 84% (1992) xuống còn 43.5% và tình trạng thiếu iốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển. Tỷ lệ người có nguy cơ bị các rối loạn do thiếu iốt  có xu hướng gia tăng do độ bao phủ muối iốt ở nhiều địa phương ngày càng giảm dần, từ 90% (năm 2005) xuống còn 69,5% (năm 2008).

2. Những ảnh hưởng về sức khỏe do thiếu vi chất dinh dưỡng:

Vitamin A: Vitamin A cần thiết cho quá trình nhìn, quá trình tăng trưởng, tham gia vào đáp ứng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn. Thiếu vitamin A gây nên bệnh khô mắt thậm chí gây mù dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, tăng tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong, chậm phát triển ở trẻ em, làm tăng tỷ lệ trẻ thấp còi và nhẹ cân.

Sắt: Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ; giảm khả năng lao động và học tập; sức khỏe kém. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ non. Người mẹ bị thiếu máu thiếu sắt, con sinh ra có nguy cơ cân nặng sơ sinh thấp.

Kẽm: Kẽm rất cần cho quá trình tăng trưởng, tăng cường chức năng miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp…), tham gia vào hoạt động của các enzym, phân chia tế bào, phát triển cơ thể. Thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em.

Iốt: rất cần cho việc tổng hợp hormone tuyến giáp, tăng trưởng... thiếu iốt gây thiểu năng trí tuệ thậm chí gây đần độn.

3. Chiến lược thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam:

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là mục tiêu của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2011-2020.

Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp. Bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp lâu dài và bền vững. Các tổ chức quốc tế UNICEF, WHO, GAIN…  đang tích cực hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chính sách, và kinh phí để triển khai các chương trình phòng chống thiếu dinh dưỡng.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Tăng cường vi chất  dinh d­ưỡng vào thực phẩm đã được áp dụng ở nhiều nước từ đầu thế kỷ 20 và được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được WHO, WFP, UNICEF, FAO, và World Bank khuyến nghị để thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, gây được nhu cầu cho người tiêu dùng đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện có kết quả chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Do đó, thanh toán nạn đói các vi chất dinh dưỡng là một thách thức về xã hội hơn là kỹ thuật đơn thuần và việc tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc vào thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết, hiện đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, áp dụng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Từ năm 2010, Liên hiệp quốc đã phát động phong trào SUN toàn cầu  hướng tới đầu tư cho dinh dưỡng để giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo, tăng GDP lên ít nhất từ 2-3% mỗi năm. Đầu tư $1 cho dinh dưỡng có thể mang lại kết quả lên tới $30. Hiện tại SUN có 55 nước thành viên. Phong trào Đẩy mạnh Dinh dưỡng (SUN) là phong trào duy nhất dựa trên nguyên tắc là tất cả mọi người đều có quyền được hưởng thực phẩm và dinh dưỡng tốt. Nó liên kết mọi người – từ chính phủ, tổ chức xã hội, Liên hợp quốc, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp đến các nhà nghiên cứu trong một nỗ lực tập thể để cải thiện về dinh dưỡng. Việt Nam gia nhập SUN từ tháng 1 năm 2014. Đầu mối của SUN Việt Nam là Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế. Định hướng của SUN Việt Nam dựa trên cơ sở của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020. Mạng lưới hoạt động liên ngành của SUN dựa trên Nhóm hoạt động Dinh dưỡng bao gồm đại điện từ các Bộ, các cơ quan UN, nhà tài trợ, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các sáng kiến toàn cầu. Mạng lưới tổ chức họp định kỳ nhằm thảo luận giải pháp hướng tới các mục tiêu và trọng tâm ưu tiên đã đề ra. Mục tiêu của SUN Việt Nam là “More Money for Nutrition – Tăng cường đầu tư cho các can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu; More Nutrition from the Money – Tạo ra nhiều dinh dưỡng hơn từ các can thiệp liên ngành”.

Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm nay, Viện Dinh dưỡng đã cấp 6.719.000 liều viên nang vitamin A để cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được bổ sung uống viên nang vitamin A ở 63 tỉnh/thành; trẻ từ 37- 60 tháng tuổi được uống viên nang vitamin A và 1.093.098 liều thuốc tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao).[I1] 

Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân, khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các gia đình hãy thực hiện các khuyến cáo sau đây:

1. Đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

3. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.

4. Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều vitamin A.

5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun.

6. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

7. Sử dụng muối iốt và các sản phẩm có bổ sung iốt trong bữa ăn hàng ngày.

Ngày 1 - 2 tháng 6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.

                                                                              Viện Dinh dưỡng
Cập nhật: 17/07/2015
Lượt xem: 3982
Lên trên