Trẻ bệnh bởi thiếu vi chất dinh dưỡng
Quay lại Bản in Yahoo

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 7,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi thì có khoảng gần 1,8 triệu trẻ (chiếm 24,9%) bị suy dinh dưỡng thấp còi, nghĩa là cứ 4 trẻ có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo nhân ngày Vi chất dinh dưỡng (1 -2/6) năm 2015 do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội.

Trẻ bệnh bởi thiếu vi chất dinh dưỡng

Bổ sung vitamin A cho trẻ tại Lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng 2015.


Theo ThS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm TTGD dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng): Việt Nam đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi trước thời hạn, hệ thống tổ chức được kiện toàn và củng cố, các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng đã đi vào nền nếp. Tuy vậy, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng  (VCDD) và suy dinh dưỡng ở trẻ em nước ta vẫn còn ở mức cao so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, công tác phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta cần được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Theo PGS.TS. Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng: Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu VCDD ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, tỷ lệ thiếu VCDD như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm và thiếu iod vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và còn nhiều thách thức ở nước ta. Cũng theo PGS. Mai: Biện pháp bổ sung VCDD chỉ là giải pháp mang tính cấp bách và tạm thời. Qua nhiều nghiên cứu và thực tế cũng đã chứng minh, biện pháp tăng cường VCDD vào thực phẩm mới là giải pháp lâu dài và mang tính bền vững. Thực ra trước đây, chúng ta đã thực hiện giải pháp này nhưng chưa phổ biến và còn gặp khó khăn do các doanh nghiệp tham gia dự án chỉ là tự nguyện và khi sản phẩm có bổ sung vi chất được đưa ra thị trường, người tiêu dùng chưa thực sự đón nhận. Chẳng hạn như sản phẩm nước mắm bổ sung sắt bị nhiều người tiêu dùng chê là tối màu, khi sử dụng có vị khác,…


Tuy nhiên hiện nay, giải pháp tăng cường vi chất và thực phẩm đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Cục ATTP, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế,... Thời gian tới, khi Chương trình Bổ sung vi chất vào thực phẩm được hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Chính phủ để ban hành Nghị định về vấn đề này. Bởi vậy, theo PGS. Mai: Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục truyền thông để giúp người dân dần thay đổi hành vi, thói quen ăn uống và hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng đối với sức khỏe của các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.


Việt Anh - Suckhoedoisong.vn

Cập nhật: 10/07/2015
Lượt xem: 2489
Lên trên