Báo động tình trạng thiếu các vi chất quan trọng
Quay lại Bản in Yahoo
Đó là 4 loại vi chất iod, sắt, kẽm và vitamin A. Sự thiếu hụt các vi chất quan trọng này sẽ gây ra các tác hại đến sức khỏe trong cộng đồng, đặc biệt là đối với sức khỏe của thai phụ và trẻ em.

Iod:

Iod là khoáng chất có vai trò quan trọng trong cơ thể:

  • Tham gia tổng hợp các hoóc-môn tuyến giáp và duy trì sự hoạt động bình thường của tuyến giáp.

  • Cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh, hệ sinh dục, hệ xương…và sự phát triển của thai nhi.

  • Tham gia quá trình chuyển hóa, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động…



Iod có trong muối iod, cá, rong biển, sữa, rau quả… Lượng iod cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể:

  • Trẻ còn bú từ 0 - 6 tháng cần 40mcg.

  • Trẻ còn bú từ 6 - 12 tháng: 50mcg.

  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 70mcg.

  • Trẻ từ 4 - 9 tuổi: 120mcg.

  • Trẻ từ 10 - 12 tuổi: 140mcg.

  • Từ 13 tuổi và người lớn: 150mcg.

  • Phụ nữ có thai và cho con bú: 200mcg.


Khi lượng iod cung cấp cho cơ thể không đủ sẽ gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Suy giảm hoạt động của tuyến giáp gây ra rụng lông, táo bón, vàng da, sợ lạnh, tăng cholesterol...

  • Ở trẻ em sự phát triển thể chất và trí não không bình thường, có thể bị thiểu năng trí tuệ, chậm lớn...

  • Bướu cổ.

  • Phụ nữ mang thai bị thiếu iod, sự phát triển của bào thai bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng đặc biệt là bộ não của trẻ.

 

Báo động tình trạng thiếu các vi chất quan trọng

Thiếu iod có thể dẫn đến bướu cổ.

Sắt:

Sắt là một khoáng chất thiết yếu trong cơ thể, nó có vai trò hết sức quan trọng trong cơ thể như:

  • Là thành phần cấu tạo nên huyết sắc tố (haemoglobin) của hồng cầu.

  • Là thành phần cấu tạo nên myoglobin: một sắc tố vận chuyển oxy có trong tế bào đến các sợi cơ, giúp cơ hoạt động mạnh mẽ.

  • Đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, nên các thai phụ trong quá trình mang thai cần phải bổ sung sắt đầy đủ và cần thiết cho sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn dậy thì.

  • Có vai trò quan trọng trong việc sản sinh ra bạch cầu, nên giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.

Thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu sắt cho cơ thể. Sắt có nhiều trong gan, thịt, ngũ cốc, cá, rau xanh…

Đối với người trưởng thành, lượng sắt cần thiết cho nhu cầu hàng ngày là 14mg.

Khi cơ thể thiếu sắt sẽ gây ra bệnh thiếu máu.

Báo động tình trạng thiếu các vi chất quan trọng

Chất sắt có nhiều trong gan động vật

 

Kẽm:

Kẽm là một khoáng chất hết sức cần thiết, giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như:

  • Đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, giúp ngăn ngừa những khuyết tật bẩm sinh về mặt di truyền và hiện tượng sinh non.

  • Có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xương, giúp tăng chiều cao, cân nặng của trẻ em.

  • Giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

  • Kẽm kích thích khứu giác và vị giác, làm tăng cảm giác thèm ăn.

  • Kẽm thúc đẩy nhanh quá trình tái tạo da và tóc. Ngoài ra, kẽm có tính chất sát trùng, kháng viêm bảo vệ da.

  • Kẽm tập trung nhiều ở vùng võng mạc, giúp tăng cường thị lực của mắt…


Kẽm có nhiều trong hải sản, thịt, ngũ cốc… Lượng kẽm cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể:

  • Trẻ sơ sinh: 5mg.

  • Trẻ em: 10mg.

  • Phụ nữ: 12mg.

  • Phụ nữ mang thai: 15mg.

  • Phụ nữ đang cho con bú: 16mg.

  • Nam giới: 15mg.


Khi lượng kẽm cung cấp cho cơ thể không đầy đủ sẽ gây ra các biểu hiện sau:

  • Cơ thể chậm phát triển.

  • Tiêu chảy mạn tính.

  • Rụng tóc.

  • Chậm phát triển giới tính và bất lực.

  • Chán ăn.

  • Tổn thương ở da, mắt.

  • Xuất hiện những đốm trắng ở móng tay.

 

Báo động tình trạng thiếu các vi chất quan trọng

 

Vitamin A:

Vitamin A có rất nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể:

  • Tăng cường thị lực.

  • Giúp tăng trưởng cơ thể.

  • Cấu tạo các biểu mô.

  • Tạo hình bộ xương.

  • Tăng cường chức năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể.

  • Là tác nhân chống oxy hóa, ngăn chặn sự lão hóa và ngăn ngừa ung thư.

  • Tăng cường chức năng nội tiết, sinh dục.


Có 2 nguồn chính cung cấp vitamin A cho cơ thể:

  • Động vật (ở dạng vitamin A: retinol): có trong gan, sữa, lòng đỏ trứng…

  • Thực vật (ở dạng tiền chất vitamin A: beta- caroten): có trong các loại rau quả có màu vàng, xanh: bắp cải, rau diếp, cà rốt…


Nhu cầu vitamin A hàng ngày của cơ thể:

  • Nam giới: 3.000IU.

  • Nữ giới: 2.300IU.

  • Phụ nữ có thai và cho con bú: 3.000IU.

  • Trẻ em: 2.000IU.

Khi chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ vitamin A hoặc một số bệnh lý nhiễm khuẩn như bệnh sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… gây rối loạn hấp thu vitamin A, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt vitamin A trong cơ thể và gây ra bệnh quáng gà, khô mắt. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa.

DS. MAI XUÂN DŨNG - Suckhoedoisong.vn

Cập nhật: 29/11/2015
Lượt xem: 1555
Lên trên