Báo động nạn “đói” vi chất dinh dưỡng
Quay lại Bản in Yahoo

Đưa vi chất dinh dưỡng vào một số thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất quan trọng trong bữa ăn hằng ngày.

Dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ các vi chất dinh dưỡng quan trọng nhưng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng xấu đến thể lực và trí tuệ. Báo cáo mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy phụ nữ và trẻ em Việt Nam đang thiếu vi chất trầm trọng.

Trẻ chậm lớn, kém thông minh

PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Trẻ em bị thấp còi khi trở thành người lớn cũng có chiều cao thấp và những người bị suy dinh dưỡng thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh, lao động kém hơn so với người bình thường. Nguyên nhân là do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là “bệnh dịch âm thầm” hay “nạn đói tiềm ẩn” bởi cơ thể không cảm nhận được sự thiếu hụt này.

Theo PGS. TS Mai, thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như bệnh khô mắt, mù lòa do thiếu vitamin A, bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh bướu cổ và đần độn do thiếu iốt. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A ở mức độ nặng do có tới 14,2% trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Điều tra toàn quốc gần đây nhất cho thấy 36% phụ nữ có thai và 29% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Thậm chí, ở vùng đồng bằng sông Hồng và các TP lớn, dù chất lượng cuộc sống tốt hơn các vùng khác nhưng tỉ lệ thiếu máu vẫn ở mức trên 20%. “Thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ; sức khỏe kém, giảm khả năng lao động và học tập. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ non” - PGS. TS Mai cảnh báo.

 

Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng khiến trẻ em Việt thấp còi và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng

Thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng khiến trẻ em Việt thấp còi và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng

 

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết thêm rằng nhiều bà mẹ hay phàn nàn chuyện con biếng ăn và mắc bệnh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do thiếu hụt vi chất kẽm. Kết quả điều tra dinh dưỡng ở 6 tỉnh, thành cho thấy tỉ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 90% và ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 81%, trong khi kẽm lại rất cần cho quá trình tăng trưởng, giúp hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp), giảm các biến chứng thai nghén.

Cũng theo PGS. TS Lâm, trong 30 năm qua, chiều cao người Việt đã được cải thiện hơn nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm 1-1,5 cm. Hiện nay, nam giới trưởng thành chỉ cao 1,64 m (thấp gần 13 cm so với chuẩn quốc tế); nữ giới chỉ cao 1,53 m (thấp hơn 10,7 cm so với chuẩn). Chiều cao trung bình của thanh niên Việt thấp hơn thanh niên nhiều nước.

Đưa 4 vi chất vào thực phẩm

PGS. TS Lê Bạch Mai cho biết những năm vừa qua, chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ do Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành đã bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 36 tháng tuổi (ở các vùng nghèo bổ sung đến nhóm trẻ dưới 60 tháng tuổi), bổ sung viên sắt cho phụ nữ. Riêng 18 tỉnh nghèo, khó khăn, có chương trình định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho trẻ. Việt Nam cũng đã có những quy định chặt chẽ để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như bổ sung sắt vào nước mắm; bột canh và muối trộn iốt; đưa canxi, vitamin A, D vào một số loại bánh... để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa thực sự bền vững. Các nghiên cứu tại nhiều địa phương cho thấy tỉ lệ người có nguy cơ bị các rối loạn do thiếu iốt đang gia tăng do độ bao phủ muối iốt ở nhiều địa phương giảm dần.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ phó Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), Bộ Y tế đang xây dựng nghị định tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm, trong đó đề xuất Chính phủ đưa 4 vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, kẽm, sắt và iốt vào các thực phẩm thường xuyên sử dụng hằng ngày. Đây là cách làm rất hữu hiệu khi bữa ăn của người dân còn chưa phong phú và thiếu hụt các vi chất quan trọng. Theo đó, sẽ bổ sung vitamin A vào dầu ăn, iốt vào muối, sắt vào xì dầu, riêng nước mắm và bột mì có cả sắt và kẽm. Với đề xuất này, tất cả các thực phẩm nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải bảo đảm yêu cầu về vi chất nói trên mới được lưu hành trên thị trường.

 

Nâng cao tầm vóc Việt, phải cần đến nhiều nguồn!

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Với mức kinh phí khoảng 6.000 tỉ đồng, đề án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam có thể đạt 1,68 - 1,69 m và 1,55 m đối với nữ, nghĩa là người Việt sẽ cao thêm 2,5 - 3,5 cm so với hiện tại. Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Y tế, với nguồn kinh phí hạn hẹp nhận được từ Ban Điều phối dự án, thời gian qua Bộ Y tế phải huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng “Chương trình sữa học đường cải thiện dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Ngoài ra, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành y tế đã chủ động triển khai một số hoạt động để cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, trong đó chú ý đến giai đoạn 1.000 ngày đầu đời (từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi); can thiệp chăm sóc trước sinh, nuôi con bằng sữa mẹ; triển khai chương trình dinh dưỡng phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi…

 

Bài và ảnh: Ngọc Dung - Báo Người lao động
Cập nhật: 10/07/2015
Lượt xem: 4512
Lên trên