Hai gánh nặng suy dinh dưỡng phổ biến của Việt Nam
Quay lại Bản in Yahoo

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, theo kết quả tổng kết dinh dưỡng toàn cầu 2014, Việt Nam là 1 trong 78 nước đang chịu gánh nặng của tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất bao gồm suy dinh dưỡng thấp còi trẻ dưới 5 tuổi, thiếu máu phụ nữ tuổi sinh đẻ.


Cho trẻ uống Vitamin A tại lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng diễn ra sáng 
                Cho trẻ uống Vitamin A tại lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng diễn ra sáng 25/5 tại Hà Nội.

Chiều 25/5, tại buổi họp báo về ngày Vi chất dinh dưỡng, PGS. TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, tính đến năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân hiện vẫn ở mức 14,5% và thấp còi là 24,9%. Tình trạng thiếu máu hiện nay vẫn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. 28,8% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 36,5% phụ nữ có thai, 29,2% trẻ dưới 5 tuổi nước ta bị thiếu máu gây hậu quả xấu về sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em.

Tương tự tình trạng thiếu kẽm cũng rất phổ biến. Kết quả Điều tra về tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh ở Việt Nam năm 2009 cho thấy tỷ lệ phụ nữ có thai bị thiếu kẽm là 90%, ở trẻ em dưới 5 tuổi là 81,2% và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 65%.

Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 14,2%, Tổ chức Y tế thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ <5 tuổi). Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 35%, chứng tỏ bữa ăn của cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu vitamin A, tỷ lệ thiếu vitamin A giảm hiện nay phụ thuộc vào biện pháp uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao cho trẻ em.

Hàng năm, có tới trên 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A liều cao (2 lần/năm). Chúng ta đã thanh toán được tình trạng khô mắt gây mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A, tỷ lệ trẻ bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng giảm dần qua các năm; các hoạt động tuyên truyền phòng chống thiếu máu do thiếu sắt, thiếu i ốt... đã và đang được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của trẻ, được cộng đồng hưởng ứng cao.

Trong khi đó vi chất dinh dưỡng có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển và tăng trưởng của trẻ, cùng với chức năng bảo vệ cơ thể. Nhu cầu hàng ngày về vi chất chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng do cơ thể không tự tổng hợp được nên phải cung cấp hoàn toàn từ thức ăn; Thiếu vi chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và khả năng phòng chống bệnh tật của trẻ: Thiếu vitamin A làm giảm khả năng miễn dịch, ảnh hưởng đến chức năng nhìn của đôi mắt, nếu thiếu nặng sẽ gây mù lòa; Thiếu sắt gây thiếu máu, ảnh hưởng đến phát triển cân nặng của thai nhi, làm giảm khả năng học tập ở trẻ và khả năng lao động ở người trưởng thành; Thiếu Iod gây bướu cổ, bệnh đần độn và kém phát triển trí tuệ …

Nguyên nhân là do nguồn cung khẩu phần ăn không đủ nhu cầu của từng cá thể trong từng giai đoạn. Vì vậy, Viện Dinh dưỡng đang đề xuất Chính phủ đưa 4 vi chất dinh dưỡng vitamin  A, kẽm, sắt và I ốt và các thực phẩm thường xuyên sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đó là đưa vitamin A vào dầu ăn, I ốt vào muối, kẽm và sắt vào xì dầu, nước mắm. Theo đó với những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải đảm bảo các yêu cầu về những vi chất này mới được lưu hành trên thị trường.

Theo PGS Mai, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, trí tuệ và cuộc sống khỏe mạnh của người dân Việt Nam. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là mục tiêu của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2011-2020.

Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm nay, Viện Dinh dưỡng cấp 6.719.000 liều viên nang vitamin A để cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được bổ sung uống viên nang vitamin A ở 63 tỉnh/thành; trẻ từ 37- 60 tháng tuổi được uống viên nang vitamin A và 1.093.098 liều thuốc tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo người dân cải thiện bữa ăn, khuyến khích sử dụng các thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và cho trẻ trong độ tuổi qui định uống vitamin A liều cao 2 lần/năm theo hướng dẫn, thực hiện vệ sinh, tẩy giun định kỳ. Phụ nữ có thai cần uống viên sắt axit/folic ngay từ lúc biết mình có thai, viên đa vi chất dinh dưỡng đã và đang được sử dụng cho phụ nữ có thai ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Trong năm nay, sẽ áp dụng việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em 6-36 tháng;  riêng các tỉnh đặc biệt khó khăn sẽ tiến hành bổ sung vitamin A liều cao kết hợp với tẩy giun cho trẻ em 6-60 tháng. Thực hiện mọi gia đình cần sử dụng muối i-ốt. Cần thực hiện đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng...

Hồng Hải - Dantri.com.vn


Cập nhật: 10/07/2015
Lượt xem: 3514
Lên trên