Mẹ thiếu vitamin B1, con dễ mắc bệnh
Quay lại Bản in Yahoo

Vitamin B1 có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa, nhất là chuyển hóa gluxit, gluco. Nếu cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ gây rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng nặng, làm tổn thương thần kinh trung ương và ngoại vi, hệ tim mạch. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, đang cho con bú, chế độ dinh dưỡng kém...

Biểu hiện khi thiếu vitamin B1

Biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin B1 giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ăn uống khó tiêu, rối loạn cảm giác như tê bì, kiến bò đầu chi, chuột rút, nặng đầu chi nhất là hai chi dưới. Nặng hơn người bệnh thấy đau tức ngực trái, phù hai chân, khó thở khi gắng sức, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh… Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện những thể đặc biệt như thể cấp với các triệu chứng liệt cơ và suy tim nặng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

Mẹ thiếu vitamin B1, con dễ mắc bệnh
Vitamin B1 có nhiều trong các loại ngũ cốc.

Không ăn gạo mốc, gạo xay xát quá kỹ

Thiếu vitamin xảy ra ở những người thiếu hụt lượng vitamin B1 cần thiết cho cơ thể hoạt động. Phụ nữ mang thai và cho con bú hay thiếu vitamin B1 do nhu cầu vitamin B1 tăng hơn người bình thường. Đặc biệt nếu bà mẹ có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, ăn gạo mốc dài ngày, thường xuyên ăn các loại thức ăn không có hoặc có chứa hàm lượng vitamin B1 thấp như gạo xay xát quá kỹ, vo gạo nhiều lần trước khi nấu cơm hoặc những thực phẩm có chứa các chất kháng vitamin B1 như trà, cà phê… sẽ gây thiếu vitamin B1 trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Để dự phòng thiếu vitamin B1, khi mang thai và cho con bú, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các loại thức ăn giàu vitamin B1 như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu đỗ, rau xanh và củ quả. Khi nấu thức ăn tránh nấu kỹ nhiều lần dễ làm phân hủy vitamin B1.


Gạo là nguồn cung cấp vitamin B1 quan trọng do đó cần chú ý không xay xát gạo quá kỹ, phải bảo quản gạo tốt để tránh mốc. Không ăn gạo có biểu hiện mốc. Khi nấu cơm không chà xát và vo rửa gạo quá nhiều lần. Nếu có nguy cơ thiếu vitamin B1 có thể uống dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin B1 cho cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - Suckhoedoisong.vn

 Tình trạng thiếu vitamin B1 khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Điển hình là trường hợp một trẻ sơ sinh mới được Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cứu sống do thiếu vitamin B1 thể suy tim. Bệnh nhi là con của anh V.X.Th (ở xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), nhập viện trong tình trạng nguy kịch: thở nấc, ngưng thở, rơi vào tình trạng sốc, suy tim. Bệnh nhi nghi ngờ thiếu vitamin B1 thể suy tim nên đã được xét nghiệm và điều trị theo hướng trên. Sau một ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện tốt. Các bác sĩ cho biết, bệnh thiếu vitamin B1 thể suy tim thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2 - 3 tháng tuổi, phụ nữ mang thai ăn kiêng khem, hoặc chế biến gạo không đúng cách (vo quá kỹ), ăn gạo mốc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Cập nhật: 07/12/2015
Lượt xem: 1409
Lên trên