Nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ đúng cách để phòng bệnh
Quay lại Bản in Yahoo
Khi giao mùa, thời tiết thường thay đổi đột ngột, nhiệt độ giảm thấp, độ ẩm thay đổi tạo điều kiện cho một số tác nhân gây bệnh dễ phát triển và lây lan.

Ngoài ra, khi chuyển mùa cơ thể cũng khó thích nghi đặc biệt là trẻ nhỏ nên dễ mắc một số bệnh như: cúm, sởi, viêm phế quản, thủy đậu... Vì vậy cần chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đúng cách lúc giao mùa nhằm tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh tật.

Các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe

Bữa ăn của trẻ phải có đủ 4 nhóm thực phẩm: năng lượng, chất đạm, chất béo, tinh bột. Không nên xáo trộn bữa ăn của trẻ quá nhiều, nhất là vào dịp rét buốt, lễ Tết. Có thể thay thức ăn ngày thường bằng các thức ăn theo lượng tương đương. Không ăn cơm có thể ăn bánh chưng, bún, mỳ... sau đó uống sữa để đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh. Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bánh, kẹo ngọt. Cũng không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, nước ép trái cây có đường, nước đá... dễ gây viêm đường hô hấp. Đối với trẻ nhỏ hơn cần tăng bú mẹ giúp tăng cường miễn dịch. Trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể bảo vệ giúp trẻ phòng tránh viêm họng hay viêm đường tiêu hoá. Ngoài ra, sữa mẹ còn có thể giúp ngăn chặn virut hiệu quả.

Các vitamin có lợi nhất cho hệ miễn dịch, giúp trẻ ít bị bệnh là vitamin C, D, A có nhiều trong rau, củ, quả: cam, chanh, bưởi, quýt giúp chống cảm cúm, cảm lạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào không bị thương tổn hiệu quả. Vitamin A luôn là vũ khí lợi hại để chống chịu bệnh tật. Beta-carotene chính là một dạng tiền vitamin A có nhiều trong thực phẩm:  Khoai lang, khoai tây, bí đỏ, bí ngô, bí bao tử là nguồn thực phẩm giàu beta-carotene - một trong số các chất chống ôxy hóa mạnh. Ngoài ra, các loại củ quả trên còn chứa magie có tác dụng chống căng thẳng, giúp có tâm trạng thư giãn hơn, dễ ngủ hơn để cơ thể mau phục hồi sau khi vận động nhiều. Vì vậy, cần cho trẻ ăn nhiều rau và hoa quả tươi để tăng cường sức đề kháng. Rau, củ, quả cũng cung cấp nhiều chất xơ giúp chống táo bón, hạn chế lên cân nhiều, ổn định đường ruột, phát triển vi khuẩn có lợi và tăng sức đề kháng.

Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện.

Kẽm cũng là khoáng chất có lợi cho miễn dịch, có nhiều trong thịt, cá, sữa, trứng, nấm, đậu... Kẽm có tác dụng kích thích sản sinh ra bạch cầu giúp chống khuẩn hiệu quả hơn. Cá rất giàu kẽm và axit béo omega-3. Còn axit béo omega-3 sẽ làm cho da bớt khô và nứt nẻ, đồng thời giúp ngăn ngừa và giảm cảm giác trì trệ, mệt mỏi. Các loại cá giàu axit béo bổ dưỡng này là cá béo như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá basa... Ngoài ra, hàng ngày cần bổ sung cho trẻ những vi khuẩn có lợi giúp tăng cường sức đề kháng. Mỗi ngày cho trẻ ăn thêm 1 - 2 lần sữa chua, ăn thêm thức ăn giàu chất xơ để giúp vi khuẩn có lợi phát triển.

Những biện pháp hiệu quả để phòng bệnh

Biện pháp quan trọng đầu tiên là tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ để phòng tránh các bệnh nguy hiểm gây hại đến miễn dịch và sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc tiêm văc-xin cần phải tuân thủ theo đúng khuyến cáo và chỉ định của cơ quan y tế. Để việc tiêm vắc-xin phòng bệnh có hiệu quả, bạn cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, tiêm đúng lịch, đủ số lượng mũi tiêm nhắc lại để đảm bảo việc sinh miễn dịch cho trẻ phòng chống bệnh là cao nhất. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm hiểu mọi cách tăng cường miễn dịch cho trẻ qua vận động, thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh. Khuyến khích trẻ giữ vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ để tiêu diệt nguồn vi khuẩn, virut lây bệnh. Cụ thể:

Hướng dẫn trẻ rửa tay để phòng bệnh.

Đối với bệnh đường hô hấp, truyền nhiễm: Trong thời tiết giao mùa, trẻ rất dễ bị sổ mũi, hắt hơi, viêm nhiễm đường hô hấp hay hen suyễn. Cách phòng: Phương pháp tốt nhất là giữ ấm cho trẻ, ra ngoài nên đeo khẩu trang cho con. Hằng ngày, nên cho con uống nước cam, quýt, uống nhiều nước lọc. Nếu trẻ bị ho, cho trẻ uống trà ấm với lượng mật ong vừa đủ. Cần giữ nhà cửa sạch sẽ, tắm rửa, thay vệ sinh cho trẻ hàng ngày. Ra đường nên giữ ấm chân, tay, cổ, nên đeo khẩu trang cho trẻ.

Đối với bệnh đường tiêu hóa: Cần giữ vệ sinh ăn uống, ăn sạch, uống sạch, dùng nước đã đun sôi. Nếu uống nước giải khát thì dùng loại đã qua tiệt trùng. Bảo quản thức ăn đã chế biến hợp vệ sinh. Chống ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín. Nên ăn các loại thức ăn nóng, ấm như canh nóng, bổ sung các loại gia vị làm ấm cơ thể như gừng, tỏi... Tập cho trẻ có thói quen ăn uống đúng giờ quy định, ăn ít nhưng chia làm nhiều lần trong một ngày để tránh tình trạng đói. Và điều quan trọng, nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn để hạn chế vi khuẩn tiếp xúc đến đồ ăn. Vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ và tráng nước sôi trước khi sử dụng. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay hoặc ngậm đồ chơi. Không nên cho trẻ dùng chung khăn, vật dụng ăn uống như cốc, bát, thìa với những trẻ khác.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để nâng cao sức đề kháng cho trẻ, ngoài việc dinh dưỡng, vệ sinh thì cần quan tâm đến ngủ đủ giấc cho trẻ. Ngủ đủ giấc giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhỏ và tái tạo sức khỏe, tránh căng thẳng. Thời gian ngủ ở trẻ thay đổi tùy theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh ngủ từ 18 - 22 giờ mỗi ngày. Trẻ từ 2-5 tháng ngủ khoảng từ 15-18 giờ mỗi ngày. Trẻ từ 6-12 tháng cần ngủ khoảng từ 14-16 giờ mỗi ngày. Trẻ từ 12-36 tháng ngủ khoảng 10-12 giờ mỗi ngày. Trẻ lớn, người lớn cũng phải đảm bảo trên 7- 8 giờ mỗi ngày. Nên cho trẻ ngủ sớm và dậy sớm, buổi trưa cũng nên có một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi. Ngoài ra, trẻ nhỏ ham chơi thường quên uống nước, làm cho cơ thể không thanh lọc được hết các chất có hại. Thiếu nước làm trẻ mệt mỏi, dễ bệnh. Nước cũng giúp cho hệ lông chuyển đường hô hấp hoạt động hiệu quả, ngăn sự xâm nhập của virut và vi khuẩn gây bệnh. Cần nhắc trẻ uống nước, ăn trái cây, uống sữa để có đủ lượng nước cần cho cơ thể, ngoài ra có thể làm ẩm đường hô hấp cho trẻ để phòng chống bệnh.

 

BS. Nguyễn Thị Thu - Suckhoedoisong.vn

Cập nhật: 10/04/2016
Lượt xem: 969
Lên trên