Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thiếu vitamin A gây hậu quả khô mắt, nếu nặng có thể gây mù mắt, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở trẻ em tiền học đường. Bổ sung vitamin A liều cao làm tăng tỷ lệ sống ở trẻ nhỏ tới 20-30% do làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp (NKHHC).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ban hành một tuyên bố chung khuyến nghị rằng vitamin A được dùng cho tất cả trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh sởi ở các địa phương có tình trạng thiếu vitamin A đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Việc bổ sung này giúp dự trữ vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi, kể cả ở trẻ được nuôi dưỡng tốt và có thể giúp bảo vệ mắt, chống mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được một số nghiên cứu chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ở các nước đang phát triển, điều trị vitamin A cho trẻ em bị mắc bệnh sởi giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác và tử vong. Bệnh sởi tiến triển nặng ở trẻ nhỏ có tình trạng dinh dưỡng kém, suy dinh dưỡng hoặc trẻ có hệ thống miễn dịch suy giảm, đặc biệt là thiếu vitamin A, nên bệnh nhân dễ bị biến chứng. Các nghiên cứu khác cũng đã xác nhận việc bổ sung vitamin A làm giảm mức độ nặng của các biến chứng (ví dụ tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp) ở bệnh nhân mắc bệnh sởi. Đặc biệt, bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến thiếu vitamin A, kể cả ở những trẻ trước đó được nuôi dưỡng tốt và không thiếu vitamin A vẫn có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.
Nhờ có vai trò giúp tăng cường miễn dịch của bổ sung vitamin A mà Phác đồ điều trị bệnh Sởi của Bộ Y tế ban hành trong “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” ngày 18-4-2014 chỉ rõ trẻ phát hiện mắc bệnh sởi cần được uống ngay vitamin A. Phác đồ dùng vitamin A bằng đường uống được khuyến cáo là trong 2 ngày liên tiếp kể từ khi chẩn đoán, mỗi ngày cho uống 50.000 đơn vị quốc tế cho trẻ dưới 6 tháng; 100.000 đơn vị quốc tế cho trẻ 6 - 12 tháng và 200.000 đơn vị quốc tế đối với trẻ lớn hơn.
Đối với các bệnh nhân mắc sởi có dấu hiệu nhãn khoa mà nguyên nhân do thiếu vitamin A, ví dụ như quáng gà, vệt Bitot (vệt màu trắng đục nằm trên giác mạc mắt) hoặc khô mắt, WHO khuyến cáo liều trên được nhắc lại một lần nữa sau 4-6 tuần.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn. Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất, hầu hết ở dạng retinil ester. Vì gan là nơi dự trữ vitamin A, nên gan có thành phần retinol cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.
Nguồn tiền vitamin A (Beta-carotene) thường là từ một số sản phẩm động vật như sữa, kem, bơ và trứng. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (Beta-Caroten) như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A (theo tỷ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24: 1 đối với rau xanh).
Bên cạnh việc bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ theo định kỳ 1 năm 2 lần vào đầu tháng 6 và tháng 12 hàng năm, các bà mẹ cần nâng cao sức đề kháng cơ thể của trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất khác nữa.
Các nguyên tắc của chế độ ăn nâng cao miễn dịch trong giai đoạn mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus như: