Chiều 25-5, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đã tổ chức gặp gỡ một số cơ quan báo chí nhằm trao đổi, cung cấp thông tin và tài liệu về nội dung truyền thông về Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6).
Tại buổi gặp, PGS, TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, vi chất dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, trí tuệ và tầm vóc người Việt Nam. Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu i-ốt vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Chiến lược phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay là kết hợp đồng thời các giải pháp. Bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp lâu dài và bền vững. Các tổ chức quốc tế UNICEF, WHO, GAIN… đang tích cực hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chính sách và kinh phí để triển khai các chương trình phòng, chống thiếu dinh dưỡng.
Quang cảnh buổi họp báo.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được áp dụng ở nhiều nước từ đầu thế kỷ 20 và được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được WHO, WFP, UNICEF, FAO và World Bank khuyến nghị để thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, gây được nhu cầu cho người tiêu dùng đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện có kết quả chương trình phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Do đó, thanh toán nạn đói các vi chất dinh dưỡng là một thách thức về xã hội hơn là kỹ thuật đơn thuần và việc tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc vào thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết, hiện đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, áp dụng để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6) năm nay, Viện Dinh dưỡng đã cấp hơn 8,5 triệu liều viên nang vitamin A cho trẻ và bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng ở 63 tỉnh, thành phố và 1.093.098 liều thuốc tẩy giun cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao).
Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân, khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Để góp phần phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, PGS, TS Lê Bạch Mai khuyến cáo các gia đình hãy thực hiện những công việc sau: Đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D; trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều vitamin A; trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường để phòng, chống nhiễm giun; phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn; Sử dụng muối i-ốt và các sản phẩm có bổ sung i-ốt trong bữa ăn hằng ngày; Ngày 1 và 2-6, hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.
Tin, ảnh: THU HƯƠNG - qdnd.vn