Bổ sung chất sắt vào nước mắm
Quay lại Bản in Yahoo
Với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu nhằm cải thiện dinh dưỡng - GAIN (Global Aliance for Improved Nutrition), Viện Dinh dưỡng đang triển khai Dự án "Bổ sung sắt vào nước mắm" ở Việt Nam, đó là một giải pháp ưu thế vì phù hợp với điều kiện của mọi đối tượng, đặc biệt là những người nghèo, họ có thể mua để dùng mà không phải chi trả thêm một khoản tiền quá đắt. Nhóm người nghèo là nhóm có nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt.

Mục tiêu chung

Cung cấp nước mắm bổ sung sắt (liều bổ sung 0,4 mg sắt NaFeEDTA/1 ml nước mắm) với giá cả phù hợp tới mọi người dân nhằm giảm tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt trong cộng đồng.

Mục tiêu cụ thể

1. Sau 3 năm triển khai, các công ty sẽ sản xuất, phân phối khoảng 30 triệu lít nước mắm bổ sung sắt, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nước mắm trên thị trường.

2. Thiết lập và duy trì hoạt động hệ thống đảm bảo và kiểm soát chất lượng nước mắm bổ sung sắt theo tiêu chuẩn qui định tại tỉnh và Labo khu vực nhằm kiểm tra chất lượng nước mắm, giám sát thị trường bán lẻ.

3. Nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân thông qua giáo dục, truyền thông, tiếp thị xã hội. Sau 3 năm triển khai, dự kiến khoảng 30% phụ nữ tuổi sinh đẻ, người bán hàng, cộng tác viên Y tế, các nhà hoạch định chính sách nhận biết được Logo của dự án, hiểu rõ tầm quan trọng của sắt khẩu phần và lợi ích của việc sử dụng nước mắm bổ sung sắt trong phòng chống thiếu máu thiếu sắt.

4. Thiết lập và duy trì hoạt động hệ thống giám sát và đánh giá. Sau 18 tháng triển khai dư kiến 5% phụ nữ tuổi sinh đẻ được cải thiện nồng độ Hemoglobin. Sau 3 năm, 10% phụ nữ tuổi sinh đẻ thường xuyên sử dụng nước mắm bổ sung sắt, 8% số phụ nữ này được cải thiện nồng độ Hemoglobin và tình trạng huyết học.

Các hoạt động của dự án

Hợp phần I: Sản xuất và phân phối nước mắm bổ sung sắt. Qui trình sản xuất nước mắm theo phương pháp lên men truyền thống. Các công ty cần có thêm các thùng khuấy để khuấy chất bổ sung vào nước mắm thành phẩm. 10 doanh nghiệp có sản lượng lớn sẽ tham gia, để đạt được điều này dự án sẽ phải quảng bá, xã hội hoá thị trường nhằm tăng tính thương mại cho nước mắm bổ sung sắt và khuyến khích mở rộng sản xuất bằng cách củng cố các doanh nghiệp có qui mô nhỏ thành doanh nghiệp có qui mô lớn. Liều bổ sung 0,4 mg sắt/1 ml nước mắm hay 3,2 kg NaFeEDTA/1.000 lít nước mắm (1 kl). GAIN hỗ trợ mua chất bổ sung cho các doanh nghiệp bắt đầu sản xuất nước mắm sắt trong năm đầu, sau đó họ phải tự mua chất bổ sung và tính toán giá bán nước mắm bổ sung sắt tới người tiêu dùng.

Hợp phần II: Hình thành, duy trì hệ thống đảm bảo và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Các Công ty sản xuất nước mắm bổ sung sắt phải công bố chất lượng sản phẩm "Nước mắm sắt dinh dưỡng", phải áp dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Tất cả các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được quản lý và giám sát dựa trên các hệ thống HACCP và QACCP. Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng và tính an toàn của sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh. Dựa trên phương thức lấy mẫu (ngẫu nhiên) do Viện Dinh dưỡng xây dựng, các doanh nghiệp nước mắm sẽ thu thập mẫu và gửi đến TTYTDP để kiểm tra.

Hợp phần III: Xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông, tiếp thị xã hội. Tập huấn cho cán bộ y tế, cán bộ phụ nữ, lãnh đạo ở các cấp về phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục đại chúng và cộng đồng, hướng tới mục tiêu thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước mắm sắt dinh dưỡng.

Hợp phần IV: Hình thành, duy trì hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả. Hình thành hệ thống giám sát và đánh giá nhằm giám sát và đánh giá hiệu quả của chương trình bổ sung sắt vào nước mắm tại các tỉnh triển khai dự án. Cần đảm bảo liên tục để đạt và duy trì tính hiệu quả của dự án bổ sung sắt vào nước mắm thông qua việc quản lý chất lượng nước mắm sắt, hệ thống phân phối, các hoạt động truyền thông, tư vấn và đánh giá hiệu quả.
Cập nhật: 10/07/2015
Lượt xem: 3904
Lên trên